25 tháng 5, 2016

Bài phát biểu của Tổng Thống Mỹ Barack Obama tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia-Hà Nội

12h trưa 24/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu tràn đầy năng lượng trước hơn 2.000 trí thức, sinh viên, doanh nhân trẻ... Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trước khi ông rời Hà Nội vào TP HCM!
"Hôm nay tôi đứng đây, vô cùng lạc quan về tương lai hai nước. Tôi có niềm tin về tình hữu nghị của người Việt Nam cũng như Mỹ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: Nối vòng tay lớn, mở rộng tấm lòng mình ra. Tôi biết rất nhiều Việt kiều ở Mỹ đã thành công ở nhiều lĩnh vực như: nhà báo, thẩm phán, luật sư,.. Tôi biết một người hôm nay người đó có mặt tại đây và ông nói mong muốn lớn nhất là cải thiện hỗ trợ đời sống người Việt Nam. Nhiều thế hệ trong các bạn ở đây sẵn sàng tạo ra dấu ấn của thế giới, đó là điều Việt Nam cần. Tương lai nằm trong tay các bạn. Đây là khoảnh khắc các bạn theo đuổi, mong muốn và Hoa Kỳ luôn là đối tác, là người bạn của các bạn."
Nguồn VietNamPlus và trang White House
Các ảnh : Trên mạng.

 



Toàn văn bài phát biểu của ông Obama trong buổi nói chuyện tại Hà Nội:
Xin chào. Xin chào Việt Nam.
Xin cảm ơn Việt Nam đã dành sự chào đón nồng nhiệt với tôi.
Xin cảm ơn các bạn có mặt ở đây ngày hôm nay, những người Việt Nam trẻ đại diện cho tài năng của người dân Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, sự tử tế, thân thiện của người Việt Nam đã chạm tới trái tim chúng tôi. Nhiều người chào tôi bên đường. Tôi cảm thấy tình cảm của mọi người. Hôm qua tôi đi thăm phố cổ và ăn nhiều món ngon như bún chả. Tôi cũng đã thử uống bia Hà Nội.
Đường phố Hà Nội thật đông vui. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy. Tôi chưa thử đi ngang qua đường nhưng sau này nếu có dịp quay lại Việt Nam thì các bạn sẽ chỉ tôi cách qua đường như thế nào.
Tôi không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng tôi cũng là người như các bạn, đã trưởng thành sau cuộc chiến tranh Việt Nam.
Lực lượng quân sự Mỹ rời Việt Nam lúc tôi 13 tuổi. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Việt Nam là tại Hawaii nơi tôi lớn lên. Tôi đã gặp một số người Mỹ gốc Việt ở đó, nhiều người còn trẻ hơn tôi.
Nhiều người trẻ Việt Nam cũng như hai con tôi, sinh ra chỉ biết đến tình hòa bình và hữu nghị Việt Nam-Hoa Kỳ. Khi đến đây, tôi ý thức về quá khứ nhưng ta nên hướng về tương lai, về sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định để thúc đẩy lẫn nhau.
Tôi trân trọng quá khứ lịch sử. Hàng nghìn năm, Việt Nam đã trồng cây ở mảnh đất này. Việt Nam có lịch sử trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã tồn tại trên sông Hồng hơn một nghìn năm. Thế giới đều biết đến lụa và những bức tranh của Việt Nam, biết tới Văn Miếu.
Sau nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp nhưng như một cây tre, tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành đã định tại sách trời."
Ngày nay chúng ta cũng nhớ tới lịch sử giữa người Việt và người Mỹ 200 năm trước khi một trong những người Mỹ đi tìm kiếm giống lúa gạo và ông đã đến Việt Nam. Sau đó, những con thuyền đã đến Việt Nam buôn bán.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ có đoạn trích: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Việc đánh đuổi thực dân đưa ta lại với nhau nhưng chiến tranh lạnh và nỗi lo sợ chủ nghĩa cộng sản đưa ta tới cuộc chiến.
Ta nhận thức được sự thật đau đớn là chiến tranh dù thế nào đi nữa thì cũng mang lại sự đau đớn. Ai cũng biết như thế. Ở nghĩa trang liệt sĩ Việt Nam, hơn 3 triệu người Việt Nam, cả thường dân và bộ đội đã hy sinh. Tại đài tưởng niệm ở Mỹ, hơn 58.000 người Mỹ đã không trở về nhà.
Ở hai nước, những cựu chiến binh, những gia đình vẫn đau đớn vì bạn bè và người thân thương mất đi. Ta phải ghi nhận những người đã ngã xuống bảo vệ Tổ quốc.
Ba thập kỷ gần đây, Việt Nam đạt được nhiều thành công to lớn. Thế giới nhìn thấy thành công này. Những cải cách kinh tế và các hiệp định thương mại tự do với các nước cho thấy sự hội nhập nền kinh tế toàn cầu của Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư tới Việt Nam và Việt Nam đã trở thành 1 trong những nước có thu nhập trung bình.
Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, ta thấy nhiều nhà cao tầng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều khu thương mại. Việt Nam đã phóng vệ tinh vào vũ trụ. Một thế hệ khới nghiệp mới với hàng chục triệu người Việt Nam đã kết nối với nhau qua mạng xã hội.
Người dân Việt Nam cũng đã có tiếng nói mang lại sự tiến bộ trong xóa đói giảm nghèo, tiếp cận nước sạch, điện, tăng tỷ lệ trẻ em đến trường và đây là thành công lớn Việt Nam đạt được trong thời gian ngắn.
Cuộc chiến ngăn ta thành hai bên và bây giờ ta tìm cách hàn gắn. Ta đã cùng tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, gỡ bỏ những bãi mìn, trẻ con không thể mất chân vì các bãi mìn này. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ người Việt Nam nhất là trẻ em khuyết tật và chất độc màu da cam..
Chúng tôi tự hào vì những công việc chúng ta đã phối hợp với nhau tại Đà Nẵng và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ở sân bay Biên Hòa. Quá trình hòa giải của hai nước chúng ta không chỉ là liên quan đến các cựu chiến binh. Thượng nghị sĩ John McCain, cựu binh trong chiến tranh từng đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói rằng Hai nước chúng ta không nên là kẻ thù trong chiến tranh, chúng ta nên làm bạn.
Chính những người cựu chiến binh đã cho ta thấy con đường đi. Người dân hai nước trở nên gần gũi nhau hơn, hoạt động thương mại tăng lên, sinh viên, học giả cùng nhau nghiên cứu. Chúng tôi đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn bất kỳ nước châu Á nào. Nhiều khách du lịch Mỹ cũng tới Việt Nam, thăm 36 phố phường Hà Nội, Hội An, Huế.
Nhiều người Việt Nam và Mỹ đều có thể thuộc những bài hát của Văn Cao: Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người. Từ nay người biết yêu người...”
Với quan hệ gần gũi, mục tiêu của tôi là xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới.
Chúng tôi muốn nói một điều: ngày nay, hai nước đã trở thành bạn bè, đối tác của nhau. Từ kinh nghiệm, tôi tin tưởng rằng những bài học trong chiến tranh sẽ là những bài học cho cả thế giới. Có những cuộc xung đột tưởng như không thể kết thúc, không giải quyết được thì giờ đây quan hệ của chúng ta đã cho thấy có thể tạo ra sự thay đổi. Hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh. Với sự tiến bộ, chân giá trị của con người cần được thúc đẩy chứ không phải là chiến tranh.
Ta cũng thấy một điều có tính nguyên tắc là Việt Nam là nước có chủ quyền. Không nước nào có quyền áp đặt ý chí lên Việt Nam. Độc lập chủ quyền cho người dân Việt Nam là do người dân Việt Nam quyết định.
Chúng tôi muốn ưu tiên quan hệ đối tác toàn diện. Tôi không còn nhiều thời gian trong nhiệm kỳ và muốn đóng góp nhiều hơn trong quan hệ hai nước. Ta cần hợp tác để đem lại sự thịnh vượng cho người dân chúng ta.
Thế kỷ này, nền kinh tế phát triển ở các nước có hành lang pháp lý đúng đắn. Nền kinh tế tri thức sẽ đổ vào các quốc gia ưu tiên cho giáo dục. Quyền đi học của con người rất quan trọng nên bên cạnh hợp tác kinh tế cần đầu tư vào con người, cần nuôi dưỡng con người tài năng bên cạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đó là thế mạnh của Mỹ.
Thế hệ trước của người Mỹ đến đây để chiến đấu nhưng thế hệ sau của người Mỹ đã đến đây đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước.
Các đại học danh tiếng Mỹ đã đến Việt Nam để tăng cường hợp tác, đào tạo. Khi chúng tôi muốn chào đón nhiều người Việt Nam sang Mỹ thì chúng tôi cũng muốn thế hệ trẻ Việt Nam được hưởng những giá trị giáo dục tốt hơn.
Do vậy, tôi rất vui mừng thông báo với các bạn, mùa thu năm nay đại học Fullbright sẽ đi vào hoạt động. Đây là đại học này phi lợi nhuận, chất lượng và sẽ cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực máy tính, công nghệ, từ thơ của Nguyễn Du, tới lĩnh vực toán của Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Chúng tôi cũng mong khuyến khích phụ nữ Việt Nam đảm bảo bình đẳng giới. Khi chúng ta có một gia đình tốt, phụ nữ được đi học, được đóng góp và có vị trí xứng đáng ở trường học, Chính phủ, trong giới lãnh đạo thì chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều này luôn đúng kể cả ở Mỹ và Việt Nam.
Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết trong TPP. Với tư cách là Tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP, điều này sẽ giúp cho Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa từ Mỹ. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam không cần phải hoàn toàn phụ thuộc thương mại với quốc gia nào duy nhất.
TPP cũng sẽ giúp giải quyết bất bình đẳng, thúc đẩy nhân quyền, người lao động có lương cao hơn. Người lao động có thể tổ chức nghiệp đoàn và bảo vệ trẻ em không bị lao động cưỡng bức, thúc đẩy chống tham nhũng. Đây là tương lai, hy vọng mà TPP mang lại cho chúng ta. Tất cả các quốc gia thành viên phải cam kết thực hiện các mục tiêu mà TPP đặt ra.
Tất cả chúng ta phải nỗ lực đảm bảo an ninh chung. Hai bên đã nhất trí xây dựng niềm tin. Chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo, trang thiết bị cho cảnh sát biển, nâng cao năng lực bảo vệ hàng hải. cứu trợ nhân đạo.
Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh hoàn toàn cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đảm bảo Việt Nam có thể có vũ khí cần thiết để đảm bảo an ninh. Chúng tôi mong muốn thể hiện rõ việc bình thường hóa toàn bộ quan hệ với Việt Nam.
Thế kỷ 20 đã dạy cho tất cả chúng ta, trật tự quốc tế và an ninh chung phụ thuộc lẫn nhau và cần thông lệ chung. Các nước đều có chủ quyền, dù lớn hay nhỏ đều cần được tôn trọng và toàn vẹn lãnh thổ. Nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ và tranh chấp phải giải quyết qua các biện pháp hòa bình.
Quan hệ của chúng ta là giải quyết sự khác biệt giữa hai chính phủ về nhân quyền. Tôi nói điều này bởi không có quốc gia nào hoàn hảo. Sau 2 thế kỷ lập nước, chúng tôi vẫn đang phải cố gắng đạt được những ý tưởng chúng tôi đã đề ra khi chúng tôi lập quốc như bất bình đẳng, định kiến từ tư pháp, hình sự. Ngày nào chúng tôi cũng nhận được phê bình nhưng những lời chỉ trích, tranh luận cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận sự chưa hoàn hảo.
Mỹ không muốn áp đặt lên bất cứ nước nào. Chúng tôi tin vào giá trị tổng quát được nêu trong Hiến pháp Việt Nam như người dân có quyền tự do ngôn luận, lập hội. Đây là những điều đã được nêu trong hiến pháp Việt Nam.
Việt Nam đã đạt tiến bộ về cải cách, lập pháp như công khai ngân sách, tiếp cận được nhiều thông tin hơn. Người Việt Nam sẽ quyết định tương lai của người Việt. Trong cuộc bầu cử tự do, người dân có thể lựa chọn lãnh đạo tốt nhất cho họ, mọi người có quyền bày tỏ sự nhân ái và chúng ta cần tăng cường hơn nữa tiếp cận hỗ trợ cho người nghèo để đời sống của họ được cải thiện. Các quyền bình đẳng người dân Việt Nam sẽ mang đến nền tảng cho sự thịnh vượng và lợi ích cho tất cả người dân Việt Nam như khẩu hiệu của Việt Nam: Của dân, do dân và vì dân.
Tôi sắp rời nhiệm sở. Tám năm qua tôi nghĩ nhiều tới hệ thống chính quyền Mỹ và cố gắng đối thoại các nước để tìm cách cải thiện hệ thống của mình.
Vấn đề quan trọng là đảm bảo sức khỏe người dân vẻ đẹp hành tinh, nhất là các di sản như Vịnh Hạ Long, Hang Sơn Đoòng, ta bảo vệ vì tương lai con cháu chúng ta.
Để đối phó biến đổi khí hậu, chúng ta cần thực hiện cam kết chống lại sự tác động quá trình này nhất là vùng ngập mặn như đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp nguồn thực phẩm lớn.
Hôm nay tôi đứng đây, vô cùng lạc quan về tương lai hai nước. Tôi có niềm tin về tình hữu nghị của người Việt Nam cũng như Mỹ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: Nối vòng tay lớn, mở rộng tấm lòng mình ra.
Tôi biết rất nhiều Việt kiều ở Mỹ đã thành công ở nhiều lĩnh vực như: nhà báo, thẩm phán, luật sư,.. Tôi biết một người hôm nay người đó có mặt tại đây và ông nói mong muốn lớn nhất là cải thiện hỗ trợ đời sống người Việt Nam.
Nhiều thế hệ trong các bạn ở đây sẵn sàng tạo ra dấu ấn của thế giới, đó là điều Việt Nam cần. Tương lai nằm trong tay các bạn. Đây là khoảnh khắc các bạn theo đuổi, mong muốn và Hoa Kỳ luôn là đối tác, là người bạn của các bạn.
Sau này khi người Hoa Kỳ và Việt Nam học cùng nhau, cùng nhau lập doanh nghiệp, cùng nhau sáng chế, tôi hy vọng các bạn nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây, trước các bạn, như Nguyễn Du đã từng viết: Trăm năm cũng từ đây...
Cám ơn, chào tạm biệt.

1 nhận xét:

  1. Con trai em cũng có mặt tại buổi nói chuyện hôm đó, mọi người rất thích và vỗ tay nhiều những đoạn nói về biển đông về ẩm thực về quan hệ Việt- Mỹ... song ít vỗ tay hơn đoạn nói về nhân quyền bác ạ. Không hiểu vì sao? Hay họ còn quá trẻ để hiểu?

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]