Đoản khúc Trường Sơn
(HNM) - Tôi đinh ninh từ địa phận Thanh Hóa, song hành cùng
tiến về phương Nam cho tới tận Tây Nguyên, có thể coi rặng núi nhấp nhô vạn
đỉnh khởi nguyên từ vùng núi đá Ninh Bình, rừng và núi hiểm trở, từng là nơi
hội quân, là căn cứ địa của nghĩa quân thời xa xưa đánh quân xâm lược phương
Bắc, và quân Việt Minh đánh Pháp, có con đường mòn chạy dọc chiều dài đất nước
trong kháng chiến, đó là điểm bắt đầu của Trường Sơn.
Không phải! Thì ra rừng Trường Sơn chỉ thực sự khởi đầu khi đã chạm tới địa giới Bắc Nghệ An, nơi có con đường xuyên từ Mai Châu sang Phú Luông. Nó kích thích trí tưởng tượng của tôi bằng những cánh rừng mịt mù và dòng sông Mã gầm thét dưới sâu vách đá. Rừng tiếp rừng, núi tiếp núi. Cho tới khi qua địa phận Nghệ An, đến Hà Tĩnh rừng bỗng hiểm trở và bí ẩn hơn, nhất là vùng thuộc Quảng Bình với tên gọi Phong Nha - Kẻ Bàng.
Không phải! Thì ra rừng Trường Sơn chỉ thực sự khởi đầu khi đã chạm tới địa giới Bắc Nghệ An, nơi có con đường xuyên từ Mai Châu sang Phú Luông. Nó kích thích trí tưởng tượng của tôi bằng những cánh rừng mịt mù và dòng sông Mã gầm thét dưới sâu vách đá. Rừng tiếp rừng, núi tiếp núi. Cho tới khi qua địa phận Nghệ An, đến Hà Tĩnh rừng bỗng hiểm trở và bí ẩn hơn, nhất là vùng thuộc Quảng Bình với tên gọi Phong Nha - Kẻ Bàng.
Trường Sơn bắc gồm nhiều dãy núi song song nhau theo hướng Tây bắc - Đông Nam. Vốn chỉ là một địa máng giữa khối nâng Kon Tum và khối Đông Bắc. Trải qua những giai đoạn bóc mòn và xâm thực khác nhau trong quá khứ nên Trường Sơn bắc trở thành dãy núi thấp và có một số bề mặt san bằng. Càng về phía nam, dãy Trường Sơn càng sát bờ biển. Có nhiều dãy núi đâm ngang ra biển như Hoành Sơn giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, Bạch Mã giữa Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Sườn phía đông dốc. Sườn phía tây thoải. Đoạn từ Vinh, Nghệ An vào đến Đà Nẵng bề ngang đồng bằng chỉ 60km. Đỉnh núi cao nhất là Phu Xai Lai Leng ở biên giới Việt - Lào, Phu Ma và Phu Đen Đin cùng ở Nghệ An.
Trường Sơn Nam là hệ thống dãy núi khối núi và gờ núi cao bao bọc phía đông của Tây Nguyên, chạy dài từ khối núi Ngọc Linh đến Mũi Dinh. Các dãy núi và khối núi chính thuộc Trường Sơn nam là khối núi Ngọc Linh, dãy núi An Khê, Chư Đju, Chư Yang Sin. Sườn của các dãy núi và khối núi này đổ dốc xuống các đồng bằng duyên hải từ Quảng Nam đến Nha Trang. Phần địa hình cao từ Kon Tum trở vào là khối nâng Kon Tum hay Tây Nguyên. Các đỉnh núi cao trong dãy Trường Sơn Nam gồm Ngọc Linh và hơn mười ngọn khác. Địa hình phức tạp, chế độ nhiệt độ, mưa, thủy văn, đất và lớp phủ thực vật đa dạng.
Khi xe chúng tôi lên tới đỉnh Trường Sơn, nơi có dãy núi Bạch Mã chạy ra biển về phía đèo Hải Vân, bỗng bạn tôi, nhà báo Bắc Việt giọng ồm ồm gào lên vào không gian mênh mông có lẽ xúc cảm dâng trào không nén nổi: Trường Sơn ơi ta đã về đây/Gặp em trên cao lộng gió/Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ…
Đi trên đỉnh Trường Sơn mà thấy bầu trời đầy nắng chói chang. Tất thảy thảm thực vật nay xanh ngăn ngắt bởi chiến tranh hủy diệt đã qua gần bốn chục năm rồi. Đại ngàn Trường Sơn hồi sinh và tất cả những triền cây lá đỏ, dương xỉ đã phủ kín thành rừng. Khí hậu ẩm ướt nên các thảm thực vật nhiều tầng cùng phát triển tươi tốt. Có đi dọc Trường Sơn mới hiểu cái nghĩa thế nào là Trường Sơn hùng vĩ. Nó giống như chiếc xương sống nhiều đốt chạy dọc đất nước, cùng các dãy núi nối từ Trường Sơn chạy ra biển như những dẻ xương sườn. Dãy Trường Sơn cũng là dãy núi phân đôi cả về mặt phân thủy lẫn khí hậu giữa Việt Nam (bên Đông Trường Sơn) và Lào (bên Tây Trường Sơn). Hai bên Trường Sơn là những thung sâu tựa như những cái chảo khổng lồ đựng đầy mây trắng xốp, bồng bềnh. Những rặng cây thiên tuế cao như những chiếc ô trời. Hoa chuối rừng nhuộm đỏ bên Đông Trường Sơn rạn nắng. Lặng lẽ nhìn cảnh sắc Trường Sơn kỳ bí thì tất cả những lời thơ và lời ca viết về nó trở nên nhạt nhòa, vì không thể nào đẹp bằng Trường Sơn hiện hữu lúc này. Cảm quan thì nghĩ thế. Cảm nghĩ thấy nó sâu lắng đấy. Nhất là tâm hồn thơ Phạm Tiến Duật về Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây: Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/Hai đứa ở hai đầu xa thẳm…/Trường Sơn Đông anh đi/Thương em bên ấy mưa nhiều…/Còn em thương bên tây anh mùa đông/Nước khe cạn bướm bay lèn đá…/Như tình yêu nối lời vô tận/Là Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn…
Đã oanh liệt một thời. Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ Bắc vào Nam đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia. Hệ thống này xem như dòng chảy lương thực và vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường miền Nam suốt 16 năm, từ năm 1959 đến 1975. Binh đoàn Trường Sơn - Đoàn 559 Quân đội nhân dân Việt Nam là "anh tổng" quản lý triển khai các "anh nhỏ" công binh, thanh niên xung phong, hậu cần, y tế, bộ binh, phòng không để bảo đảm hoạt động của hệ thống đường này. Đường Trường Sơn còn được những người lính trong cuộc chiến gọi là "tuyến lửa". Tôi bỗng nhớ tới bài hát của nhạc sĩ Văn Dung: Ơi cô gái Trường Sơn/Bao đêm em đi mở đường/Cho từng chuyến xe anh qua…/Dù bom rơi mưa giông nắng lửa/Vượt hiểm nguy em băng băng qua/Mở đường xe anh ra tiền tuyến…
Nhà thơ Triệu Nguyễn, bạn tôi, có một bài thơ hay "Cô gái gác đầu đường", có câu: Ở đâu tôi cũng gặp em/Một nơi nào đó một đêm tối trời. Trong đêm tối không ánh đèn. Chỉ hai chiếc cờ hiệu hai tay hướng dẫn cho xe vượt qua trọng điểm bom vừa đánh phá. Triệu Nguyễn đã viết trong nước mắt khi nghe tin cô đã hy sinh ít ngày sau đó. Còn "Bước chân trên dải Trường Sơn" của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối thì: Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/Đá mòn mà đôi gót không mòn.
Về sau hệ thống này có thêm tên gọi "Đường mòn Hồ Chí Minh" đi qua 20 tỉnh miền Nam từ Quảng Bình đến Kiên Giang.
Trong chiến tranh Việt Nam lực lượng quân sự Mỹ và ngụy đã đánh phá hệ thống giao thông này bằng các chiến dịch bộ binh và không quân, cùng sự hỗ trợ của một hệ thống máy móc điện tử được gọi là "hàng rào điện tử Mc.Namara". Ngoài ra, chất độc da cam cùng một số loại chất độc diệt cỏ khác cũng được rải xuống nhiều vùng rừng trên đường Trường Sơn làm trụi lá cây, để không còn "rừng che bộ đội - rừng vây quân thù". Các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để phá đường. Theo văn bản lịch sử chính thức của cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ, thì đường Trường Sơn được coi là một trong những "thành tựu vĩ đại" của nền kỹ thuật quân sự Việt Nam ở thế kỷ XX.
Trường Sơn Nam để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Nó như một thế giới riêng. Nó là thế giới của các dân tộc người Vân Kiều, Pa Cô, Chứt, Rục… sinh sống dưới tán cây rừng vẫn còn khiến giới nghiên cứu phải bỏ công tìm hiểu những tục lệ có nguồn gốc từ thời nguyên thủy cho tới nay còn tồn sinh cùng lề lối sinh hoạt xuất phát từ căn thói du canh du cư in dấu trong đời sống hằng ngày. Giữa vùng lõi của vùng lõi rừng Tây Nguyên, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng, nhất là các đoàn kinh tế quốc phòng phải lặn lội để tiếp cận với các nhóm tộc người mới từ bỏ hang đá về định cư trong bản làng, dạy cho trẻ em học chữ và thuyết phục đồng bào bỏ những tục lệ lạc hậu. Khi mà chỉ cách đó trăm kilômét sóng wifi đã phủ trên thành phố, thì trong rừng sâu cư dân P'ru, Vân Kiều, Chít, Rục vẫn còn quen dùng bột cây báng để làm thực phẩm. Chiết rượu từ ngọn cây đoóc và quen xử mọi rắc rối trong cộng đồng bằng luật tục. Tuy nhiên, rừng phía Trường Sơn Nam lại khiến người phương xa xúc động bởi vẻ đẹp của những cánh rừng khộp, săng lẻ thân cao vút trụi lá vào mùa khô. Và bây giờ rừng cao su, cà phê, hồ tiêu làm thay đổi nếp canh tác của họ điển hình là biết trồng lúa nước. Tây Nguyên, dải đất mang bản sắc văn hóa riêng chưa năm nào vắng tiếng cồng chiêng, thấp thoáng những mái nhà rông cao vút như lưỡi rìu vung lên trời xanh, quê hương của những tộc người Bana, Ede, S'rai, M'nong, dũng mãnh và lãng mạn, nơi sử thi vẫn chảy mạch trong huyết quản con người. Rừng nơi đó không còn hoang sơ như cách nay một thế kỷ song vẫn chứa đựng những nhịp sống riêng nuôi dưỡng nhịp múa của những cô gái vung cánh tay tròn lẳn quanh đống củi lửa cháy đùng đùng, tiếng ngân nhịp chiêng, rộn ràng âm thanh tơ rưng, vọng xa tiếng hú gọi voi nhà của các gơ hu, luôn là huyền thoại.
Một đêm ngủ ở Trung Lương. Tôi rủ Vũ Tiến và Bắc Việt, tìm một quán nhậu có tên "Làng nướng Tây Nguyên" để trải nghiệm hai món lạ. Rượu Tà Vạc là món quà của núi rừng Trường Sơn, được xem là đồ uống đặc trưng của đồng bào Kơ Tu, có vị nhè nhẹ, mát mát, thơm thơm như bia. Lính tráng ngày trước gọi là bia Trường Sơn. Thanh niên uống thì có sức khỏe để săn thú, bắt chim. Đàn bà con gái uống có làn da trắng như trứng gà bóc, tóc đen như gỗ mun. Người già uống trở nên minh mẫn. Rượu Tà Vạc không vận chuyển được xa. Muốn uống chỉ có mỗi một cách là về với núi rừng đại ngàn Trường Sơn. Món thứ hai là diềm nướng của người Vân Kiều. Mổ lợn, người ta lọc lấy diềm, là thớ thịt săn chắc lóc ra từ phần ngấn cổ con lợn. Tiếng địa phương gọi là nọng nọ. Thịt diềm của một con lợn béo không quá 5kg niên niêm. Diềm nửa nạc nửa mỡ nên khi nướng lên săn giòn béo ngậy. Trên bếp than hoa phát ra tiếng xèo xèo vui tai của nước nọng nọ nhỏ xuống than cháy hồng cho cảm giác háo hức ngóng từng miếng thịt chín tới.
Rừng Trường Sơn, dải núi rừng thiêng liêng của người Việt. Dù có lúc lãng quên, dù có lúc không được lưu tâm tới, song rừng luôn lặng lẽ giang rộng vòng tay bao bọc đời sống con người trong sự hòa hợp muôn loài. Lần đầu tiên một bảo tàng thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung được xây dựng ở Thừa Thiên - Huế. Đây sẽ là nơi trưng bày giới thiệu một cách chân thực chuyên sâu nhất về hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới tiêu biểu của Việt Nam phân bố dọc theo dãy Trường Sơn, và hệ đầm phá tiêu biểu nhất trong 12 đầm phá nhiệt đới ven biển của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.
Vào năm 1953 nhạc sĩ Phạm Duy đã viết bản "Tình ca" về Trường Sơn: "Đất nước tôi dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn/ Đất miền Tây chờ sức người vươn/Đất ơi…". Ông dự kiến viết một trường ca về nó nhưng rồi thời cuộc biến đổi, ông rời xa Tổ quốc. Cho tới khi trở lại không biết ông có khởi động lại được cảm xúc không? Chỉ biết khi ông từ giã cõi đời này trường ca trong mơ ấy đã theo ông nằm sâu trong lòng đất Mẹ. Trong khi chị nữ tiến sĩ sinh hóa được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đi cùng tôi, lại không bao giờ quên "Lời ru trên nương" của nhạc sĩ Trần Hoàn viết trong thời máu lửa của cuộc chiến chống Mỹ. Bởi chị đã thổn thức hát khe khẽ khi đi qua và ngắm nhìn cảnh sắc Tây Nguyên. Ngủ ngoan Akay ơi/Mẹ thương Akay mẹ thương bộ đội/Con mơ cho mẹ hạt lúa lên bông/Mai sau con lớn vung chày lún sân. Có lẽ Trường Sơn bây giờ hùng vĩ quá đáng yêu quá đã làm chị nhớ về Trường Sơn trong chiến tranh chăng? Bởi bố chị đã từng chiến đấu nơi núi rừng Trường Sơn Nam có Tây Nguyên và ông đã nằm lại nơi ấy. Và không nghi ngờ gì nữa, rằng ông đã từng ăn hạt bắp của mẹ Akay chỉa trên nương thời kỳ gian khó ấy.
Bút ký của Khiếu Quang Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]