23 tháng 5, 2015

Bức ảnh “lạ” trong phòng ngủ của Tướng Nguyễn Quốc Thước!



Bức ảnh “lạ” trong phòng ngủ của Tướng Nguyễn Quốc Thước!
GiadinhNet - Không nhiều người biết chuyện Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (SN 1926, nguyên Tư lệnh Quân khu 4), hàng chục năm trời chăm sóc người vợ bệnh nặng nằm một chỗ. Càng ít người biết câu chuyện tình thời chiến đầy cảm động của ông... 
Bức ảnh Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bên xe lăn của vợ được treo trang trọng trong phòng ngủ.
Người chỉ huy "trận đánh... tuổi thanh xuân"
Hàng chục năm qua, hình ảnh một ông lão tóc đã bạc trắng hàng ngày vẫn đẩy vợ trên chiếc xe lăn đi dạo phố đã trở nên thân thuộc với những người dân khu phố nhỏ phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội). Ông lão đó là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, một vị tướng nổi tiếng trên chiến trường, nghị trường và cả câu chuyện tình với người vợ bị bệnh nặng hàng chục năm qua.
Gặp ông, nhìn gương mặt tươi sáng và nụ cười đôn hậu, ít ai nghĩ ông đã sắp bước sang tuổi 90. “Bao nhiêu năm chiến tranh, tôi biền biệt đi đánh giặc, bà ở nhà chăm sóc gia đình, nuôi con một mình. Giờ thời bình, bà ốm đau, bệnh tật và ngồi một chỗ, tôi lại về chăm bà. Tình vợ chồng là nghĩa tao khang”, vị tướng về hưu bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như thế!
Là một vị tướng đã gửi cả những năm tháng tuổi trẻ vào con đường binh nghiệp, lăn lộn từ Bắc đến Nam, trên các chiến trường B, C và sau này là chiến tranh biên giới phía Bắc. Thế nhưng, khi nói về gia đình, về người vợ, ông  bảo: “Đằng sau những trận đánh oai hùng, những chiến thắng vẻ vang của mình là hình ảnh người vợ vẫn đang lặng lẽ “chỉ huy” một trận đánh không kém phần cam go, là chống chọi với tuổi thanh xuân không có chồng bên cạnh, để nuôi dạy con, gánh vác “giang sơn” nhà chồng”. Bởi vậy mà 13 năm qua, dù hết lòng bù đắp cho vợ, thì với ông, vẫn là chưa đủ. Món nợ ân tình dành cho đất nước trả đủ bao nhiêu thì món nợ nghĩa tình với người vợ - bà Phan Thị Thủy và với gia đình ít ỏi bấy nhiêu.

Ông chia sẻ: “Thời còn trẻ, tôi công tác tại Trung đoàn 270. Quảng Bình khi ấy là vùng mới giải phóng, từ Quảng Bình trở vào trong là địa bàn của địch. Vì tình thế đó không có nhiều thuận lợi cho ta nên đơn vị có quy định cán bộ, nhất là những cán bộ chủ chốt không được phép lấy vợ vùng mới giải phóng. Các đồng chí cùng đơn vị, khác ngành vẫn có thể về quê cưới vợ vì không phải trực chiến, còn bộ đội thường trực như chúng tôi lúc bấy giờ không được nghỉ phép, vì nếu đi phép 15 ngày thì bỏ trận địa cho ai. Như vậy hai điều kiện để lấy vợ, tôi đều không có. Thế là 30 tuổi, tôi vẫn độc thân”.
Ấy mà, từ lúc quen cho đến khi tổ chức đám cưới với cô gái kém mình 12 tuổi, ông chỉ mất vẻn vẹn có 15 ngày. Tướng Thước hóm hỉnh: “Chuyện lấy vợ của tôi cũng nhanh như đánh giặc. Cơ duyên là năm 1957, tôi ra Hà Nội họp vấn đề tác chiến và có ghé qua quê thăm nhà (quê ông ở Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An). Gặp ai cũng hỏi "Vợ con gì chưa?". Thấy tôi toàn lắc đầu nên  đồng chí Bí thư Huyện ủy lúc đó mai mối cho người cháu ruột. Vì thời gian ngắn ngủi nên chúng tôi chỉ chào nhau vài lần mà chẳng nói chuyện được gì nhiều. Ra Hà Nội, tôi biên thư nhắn cô gái nếu đồng ý thì làm đám cưới luôn. Lúc ấy tôi nghĩ, cuộc đời đi bộ đội chắc về già ốm yếu, lấy vợ trẻ sau này còn có vợ nuôi. May là cô ấy đồng ý, chứ không cũng... chả có vợ”.
Nén nỗi đau hàng chục năm xa cách
Ngoài phần lớn thời gian chăm vợ, ông tranh thủ cập nhật thông tin qua báo chí.
Xen chút ngậm ngùi, ông bảo, lấy nhau xong ông đi biền biệt, hạnh phúc càng không trọn vẹn khi đứa con đầu tiên không giữ được do bị nhiễm trùng rốn. Con mất, bố không về được. Những ngày tháng chiến tranh ác liệt, ông chỉ viết thư về động viên vợ, kìm nén nỗi đau để hoàn thành việc nước. Trước nỗi đau tột cùng của người vợ, người mẹ không gì có thể chia sẻ được, gia đình chỉ biết thay ông động viên người vợ trẻ lúc ấy chưa đầy 30 tuổi đời.
Rồi hai năm sau đó, họ có với nhau cậu con trai. Vì nhiệm vụ chính trị đặc biệt nên ông muốn vợ có thêm một đứa nữa khi đứa con đầu mới được 1 tuổi và phải thuyết phục mãi vợ mới nghe. Năm 1964, chiến tranh leo thang, địch ném bom dữ dội hơn, vợ ông lúc ấy đang mang bầu cũng phải dắt theo cậu con trai chạy ra quê lánh nạn. “Đời vợ lính vất vả, lúc nào cũng sống trong xa cách. Khi vợ gần sinh, tôi mượn xe đạp của cơ quan chạy liền một ngày đêm về thăm nhà. Gặp người quen, họ bảo “Về nhanh đi, vợ vừa sinh thằng cu rồi nhé”. Tôi chạy xe như bay, lòng vui sướng vô cùng. Ngắm con, ôm con một tiếng đồng hồ lại vội vã trở về Quân khu chuẩn bị Nam tiến. Và cứ như thế, tôi đi biền biệt tiếp 10 năm”, vị tướng già ngậm ngùi hồi tưởng.
Và kể từ lần ôm đứa con còn đỏ hỏn cho đến hai năm sau, họ chỉ biết tin nhau qua một vài lá thư viết vội. Nguyên nhân là vì đơn vị của ông liên tục di chuyển nên không có địa chỉ cố định để chuyển thư, gia đình có gửi nhưng đều không nhận được.
Cuộc đời nhiều cuộc trùng phùng nhưng với ông, mãi không thể quên cuộc gặp gỡ tình cờ người vợ sau 10 năm xa cách. Đó là năm 1974, khi ông nhận nhiệm vụ từ Tây Nguyên ra Hà Nội nên tranh thủ ghé qua nhà thăm gia đình. Nhưng thời điểm này, vợ ông cũng từ Vinh vào Quảng Bình hỏi thăm tình hình chồng, nhưng không có tin tức gì nên thất vọng trở về. Chuyến xe quốc doanh từ Quảng Bình đi ra có hai chuyến, cách nhau 30 phút. Vậy là họ, mỗi người đi một chuyến song song nhau. Khi đi qua phà Bến Thủy, xe vợ ông dừng lại trước, đợi chuyến xe sau. Lúc bấy giờ là phà kéo tay, quy định nhà phà phải đợi đủ hai xe họ mới chở khách. Nhưng chính điều đó đã tạo nên cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ của vợ chồng ông.
Tướng Thước chia sẻ, vợ chính là hậu phương vững vàng để ông xông pha và hy sinh vì lý tưởng của mình. Và ông cũng luôn tự hào, sự hi sinh của người vợ cũng là ngọn nguồn sức mạnh để ngực ông lấp lánh những tấm huy chương chiến công sau này. Cuộc đời 50 năm binh nghiệp, ông cứ đi biền biệt, mọi thứ đều phó thác hết cho bà ở nhà đảm đương, gánh vác. Trái tim ông từng quặn đau khi có dịp về phép nghe một người bà con trách: “Ông làm thế nào thì làm, chứ ở đây không ai khổ cực như cô Thủy. Những ngày sơ tán, cứ hai con hai bên sọt, xung quanh nồi niêu, xoong chảo, quần áo một mình lặng lẽ đẩy xe. Mười năm đạp máy xí nghiệp may, một nách nuôi các con nên người”.
Bức ảnh treo trang trọng trong phòng ngủ
Khi ông chuẩn bị gác mọi thứ để về với vợ thì năm 2002, bà đột nhiên ngã bệnh vì tai biến. Thế là ông quyết định nghỉ luôn, ở nhà “vừa là nội tướng, vừa làm ôsin”. Đến nay đã 13 năm, hàng ngày ông nâng đỡ bà với mọi sinh hoạt trên chiếc xe lăn. Nhưng ông vui với niềm vui như được bù đắp bao tháng ngày vất vả cho vợ khi luôn gọi công việc đẩy xe lăn cho bà là “tập luyện thể dục hàng ngày”.
Trước kia khi vợ còn khỏe, ngày nào hai ông bà cũng đi bộ cùng nhau mấy vòng khu phố. Nhưng từ khi bà lâm bệnh, ông bận rộn với công việc bưng, bê đồ ăn, thức uống, rồi nâng đỡ vợ lên xe, xuống xe… Dù vất vả, gian truân là vậy, nhưng khi nói về người vợ, trên gương mặt ông vẫn luôn rạng ngời hạnh phúc. “Đôi khi chỉ đạo vợ còn thấy khó khăn hơn cả ba vạn quân. Mấy chục năm chỉ huy các cấp, từ cấp dưới cho đến cấp quân khu, chưa ai dám mắng mình một lời, vậy mà khi chỉ huy có mình bệnh nhân này, hàng ngày bị mắng, bị quát, bị giận cũng căng thẳng lắm”, Tướng Thước hài hước.
Chia tay ông, tôi nhớ mãi bức ảnh treo trong phòng ngủ vợ chồng. Ông mặc áo phông, quần đùi bên vợ, không sao, không gạch, không huân, huy chương mới thấy, một vị tướng từng vào sinh, ra tử giản dị như thế nào. Ông bảo: “Tôi mới chỉ dành 13 năm cho vợ, so với cuộc đời 50 năm binh nghiệp thì là quá ít. Một người vợ trọn cuộc đời vì chồng, vì con như vậy thì sao mà không yêu, không trân trọng được”.
Ngày bố trở về, gặp con, con bỏ trốn
Ngày Tướng Thước từ chiến trận trở về, đứa con đầu đã 11 tuổi, đứa sau đã lên 10, thấy người lạ liền bỏ trốn. Trung tướng xót xa: “Phải tìm mãi chúng mới chịu về, vợ tôi phải giải thích "ba con đấy" chúng mới nguôi nguôi. Sau 10 năm, đó là giây phút hạnh phúc nhất, lúc ấy tôi mới cảm nhận được mình thực sự là “Ba” giữa tiếng nói cười và những đôi mắt trong veo của trẻ nhỏ”.
Quỳnh Nguyên/Báo Gia đình & Xã hộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]