TuanVietNam ››
Sự xuống cấp mang
tính hủy diệt của văn hóa
Bảy mươi năm
về trước, một trong những khẩu hiệu phổ biến nhất của cuộc Cách mạng tháng Tám
là bài trừ mê tín dị đoan. Từ những năm tháng ấy, lý tưởng tranh đấu giành độc
lập tự do chiếm lĩnh tâm trí hầu hết mọi người dân.
Niềm tin vào
“chủ nghĩa duy vật” thắng thế. Tâm linh, bao gồm di sản tinh thần dân gian cùng
với niềm tin tôn giáo bị coi nhẹ, có lúc bị phỉ báng, đỉnh cao là có rất nhiều
nơi ở miền Bắc người ta đã đập phá hoặc sử dụng đình chùa làm nhà kho. Những hủ
tục của quá khứ như bói tướng, cầu hồn, cầu cơ, lập đàn cúng tế, cả những việc
nhỏ vô hại như xem ngày tốt xấu cho cưới xin tang lễ cũng đều bị dẹp bỏ, tự
nguyện hoặc bắt buộc. Cỗ bàn giỗ ông bà cũng đơn giản, đặc biệt bỏ hẳn việc đốt
vàng mã vì không còn bày bán ngoài chợ. Giỗ, Tết, đảng viên thường có mặt nhưng
không vái lạy để làm gương.
Ít nhất trên
miền Bắc, lễ hội truyền thống ở các địa phương bị xếp lại tuyệt đối vì chiến
tranh đã đành, nhưng chủ yếu là do người dân đã thay đổi tư duy. Sau hàng trăm
năm cầu xin Trời Phật, tổ tiên phù hộ mà vẫn không thấy được đổi đời, vẫn thấy
bị vua chúa, quan lại, thực dân đè đầu cưỡi cổ, người dân bỗng được “rũ bùn
đứng dậy sáng lòa” (thơ Nguyễn Đình Thi) chỉ sau mấy ngày Cách mạng tháng Tám
và có ruộng cày sau cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất đả phong kiến, với
viễn cảnh độc lập tự do, “thế giới đại đồng”. Dân nhạt cầu cúng, đậm đấu tranh
cho lý tưởng.
Niềm tin vào
đại nghĩa của dân tộc và tương lai của đất nước lấn át tuyệt đối và đẩy lùi thế
giới tâm linh. Ít nhất thì cũng có một thời gian dài chúng ta tưởng là như thế.
Thế nhưng, ai cũng phải giật mình về những gì đang xảy ra trong đời sống cộng
đồng những năm gần đây. Người Việt không chỉ quay ngoắt 180 độ trở về với những
mê tín dị đoan đã có đã theo trước năm 1945 mà còn phát sinh nhiều “dị đoan”
đến từ một thế giới phẳng nhờ công cụ Internet lan truyền.
Chưa từng
bao giờ nảy sinh nhiều thầy bói, thầy tướng, thầy địa lý, phong thủy như ngày
nay. Thậm chí người ta viết sách, viết báo khẳng định như đinh đóng cột những
điều ngàn năm nay vẫn nằm trong thế giới “sắc sắc không không”, làm như họ đã
trả lời ngon ơ mọi câu hỏi của con Sphinx trước cửa Kim tự tháp. Hàng loạt nhà
“ngoại cảm” túa ra như nấm mùa xuân, không ít kẻ làm giàu nhờ biết lợi dụng tối
đa nỗi đau hậu chiến. Vụ “cậu Thủy” với tín chủ “ngân hàng chính sách” ở Dak
Nông và vở bi hài kịch ven sông Hồng trong cuộc tìm kiếm không thành công thi
hài chị Huyền xấu số đã làm lộ mặt nhiều nhà ngoại cảm dỏm. Chưa từng thấy các
quan chức đua nhau “mê tín dị đoan” như bây giờ. Họ bấm độn để xuất hành công
tác, kể cả đi dạy biện chứng pháp ở trường đại học. Họ chạy thầy cúng, thầy
pháp, thầy bói mong tăng phiếu bầu cử, thậm chí mang cả hương vàng bay ra Côn
Đảo sì sụp khấn xin phiếu trước mộ chị Sáu, lúc nào cũng chật người vì được đồn
là linh thiêng. Người con gái Đất Đỏ anh hùng chắc sửng sốt về những lời cầu
xin quá đỗi lạ tai.
Phát ấn Đền
Trần là ngày đánh dấu thời thịnh trị khi nhà vua quyết định trao ấn để chấm dứt
vụ ăn Tết kéo dài, lệnh cho nền hành chính cả nước bắt đầu hoạt động nghiêm
chỉnh phục vụ triều đình và nhân dân. Nhưng người ta đã biến sáng kiến rất văn
minh này thành một cuộc tranh cướp danh lợi. Toàn dân xin ấn với hy vọng được
làm quan, thăng quan thì còn ai làm dân nữa? Và những lễ hội nói là cha ông để
lại nhưng không còn mấy ý nghĩa nguyên thủy mà được phát huy tối đa khía cạnh
thương mại do một số nhóm lợi ích bày đặt. Họ biến một số lễ hội thành “sàn môi
giới” giữa người trần và thần thánh để cầu xin và hối lộ công khai. Ông Nguyễn
Sự, Bí thư Hội An, đã phải than với báo chí: “Nếu anh có đi đến các lễ hội ấy
mà anh chỉ cầu riêng cho mình là chưa đủ. Anh phải cầu cho mọi người dân được
mạnh khỏe, thiên hạ được thái bình, vùng đất mình sống được yên ổn và mọi người
được hưởng phúc. Nói như ông bà mình ngày xưa là cầu cho mưa thuận gió hòa, cho
muôn người, muôn loài. Đó mới là thái độ ứng xử có văn hóa. Cha ông ta làm lễ
hội trước đây làm gì có việc đánh cướp nhau như vậy. Chẳng có thánh thần nào
lại đi ban phát phước đức, tài lộc cho những người đang lao vào đánh đồng loại
của mình như mấy ngày gần đây...” (báo Một thế giới). PGS.TS. Lê Quý Đức,
nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính
Quốc gia Hồ Chí Minh) thì thẳng thừng tuy mới chỉ chạm nhẹ vào cái gốc của vấn
đề: “Người ta thiếu tin tưởng vào đời sống thế tục, tin tưởng vào giá trị, lý
tưởng chính trị xã hội mà người ta chỉ tin vào tâm linh” (báo Một thế giới).
Đúng. Nhưng
họ đang tin vào thứ “tâm linh” nào? Hối lộ cả Bụt, buôn thần bán thánh, muốn
độc quyền cả Trời Phật chỉ phù hộ kiếm lợi cho riêng mình, làm hại đối thủ của
mình, đua nhau xin ấn quan lộc, nhét tiền vào tay tượng, coi vị Bồ Tát thiêng
liêng như người bán hàng rong, tham nhũng chán chê rồi đi lễ sám hối, giải hạn,
vài ngàn lẻ một chuyện nhảm nhí khác đang xảy ra, phải chăng đó không phải là
“mê tín dị đoan” mà chúng ta đã từng gạt bỏ 70 năm trước? Tin vào tâm linh
không có gì để bàn, nhưng lấy cái gọi là “tâm linh” nhảm nhí, lố bịch đã từng
bị quẳng vào sọt rác của lịch sử văn minh thay cho lý tưởng cao đẹp vì nhân quần
xã hội chắc chắn chỉ là sự xuống cấp không phanh có tính hủy diệt của văn hóa.
Nguyễn Quang Thân/ Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Ông thân nói đúng lắm....anh nhỉ!
Trả lờiXóaCứ mỗi dịp có nhiều các lễ hội là nổi cộm nhiều vấn đề về văn hóa, từ các Ban tổ chức đến người dự có các hành động quá mức phản văn hóa, và hơn nữa còn có người có trách nhiệm, có cương vị lại còn phát ngôn thảm hại như vị Phó ban Tuyên giáo Thành ủy HN còn"bào chữa" là "cướp có văn hóa" , "tham những có văn hóa" hết chịu nổi ! Hết cái đầu văn hóa và cái tâm chân thực rồi ! Bây giờ cứ nghe nói lễ hội là dị ứng ! Sắp tới không biết sự kiện Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ thế nào đây ?
Xóa