22 tháng 1, 2015

12 bảo vật quốc gia mới

12 bảo vật quốc gia mới

12 hiện vật, nhóm hiện vật, trong đó có 82 bia tiến sĩ Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội; máy bay Mig 21 số hiệu 4324... vừa được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia, nâng tổng số hiện vật được bảo tồn lên 79.
Máy bay MIG 21 số hiệu 4324 của Trung đoàn 921, Sư đoàn không quân 371, do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Từ tháng 1/1967 đến tháng 5/1969, 9 phi công đã lần lượt lái chiếc máy bay này, bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Trong 9 phi công trên, 6 người được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Máy bay đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. (Ảnh: Quý Đoàn)
 
Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh do Phòng Tác chiến Bộ tư lệnh Quân giải phóng miền Nam cùng các cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu vẽ trên bản đồ miền Nam Việt Nam, được hoàn thành 4 ngày trước khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tháng 4/1975. Trên nền bản đồ miền Nam Việt Nam, các mũi vẽ màu đỏ thể hiện hướng tiến công của các quân, binh chủng vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Phía trên cùng có hàng chữ "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh".
Bản đồ được lưu trữ trong kho bảo tồn của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và sẽ được trưng bày phục vụ khách tham quan thời gian tới(Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)
 
Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 82 bia đá ghi tên những người đỗ tiến sĩ các khoa thi thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Bia Tiến sĩ Văn Miếu đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2010, trở thành di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thế giới. (Ảnh: Quý Đoàn)
 
Bộ tượng Di Đà Tam Tôn (3 pho tượng phía sau) đặt tại chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Có niên đại đầu thế kỷ 17, đây là bộ tượng Di Đà Tam Tôn có niên đại sớm nhất ở Việt Nam.
Bộ tượng được đánh giá đạt đến những chuẩn mực về tạo hình Phật giáo đầu thế kỷ 17, mang giá trị chuyển tải tư tưởng Phật giáo trong văn hóa Việt Nam. (Ảnh: Quý Đoàn)
 
Bộ tượng chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) là tượng Phật giáo thời Tây Sơn, có niên đại cuối thế kỷ 18. Trong chùa có tổng cộng 72 pho tượng, được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. (Ảnh: Quý Đoàn)
 
Tượng Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay có niện đại thế kỷ 16, hiện lưu giữ tại chùa Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Quý Đoàn)
 
Chuông Thanh Mai được đúc năm 798, là quả chuông được đánh giá có niên đại cổ nhất Việt Nam từ trước tới nay và đã thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng dưới thời bấy giờ. Chuông Thanh Mai được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh: Quý Đoàn)
 
Thành bậc lan can thời Lý có niên đại đầu thế kỷ 12 (khoảng năm 1108 – 1117). Trong số hàng trăm di vật tìm thấy trong đợt khai quật phế tích Bảo tháp Vạn phong Thành thiện trên đỉnh núi Ngô Xá (Yên Lợi, Ý Yên, Nam Định) năm 1966–1967, thành bậc lan can là di vật đá độc bản, được chế tác hoàn toàn bằng kỹ thuật chạm khắc thủ công, là tiêu bản duy nhất phát hiện từ trước đến nay trong các di tích thời Lý ở Việt Nam trang trí hình tượng người trên thành bậc chất liệu đá. Thành bậc lan can hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định)
 
Tượng Mukhalinga (niên đại đầu thế kỷ 13) là linga tiêu biểu, độc đáo, tạc từ khối đá sa thạch màu vàng nâu, phần đầu chạm nổi hình tượng thần Siva. Tượng được lưu giữ tại Ban Quản lý di tích lịch sử và du lịch Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Nguyễn Đông)
 
Bia Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi (niên đại thế kỷ 15) là khu nhà bia hiện nằm trên đồi Phú Lâm, thuộc Khu di tích lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Bia được khắc dựng bằng đá xanh nguyên khối, đặt trên lưng một con rùa lớn, tạc chữ hán nổi hai mặt kèm theo nhiều họa tiết hoa văn, họa tiết rồng nguyệt liên quan đến Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao - người có công lớn cùng vua Lê Thái Tông xây dựng, bảo vệ đất nước. Bia Khôn nguyên Chí Đức Chi Bi ngoài giá trị lịch sử còn có ý nghĩa lớn về mặt nghệ thuật trang trí, điêu khắc, thơ ca. (Ảnh:Hoàng Lê)
 
Trống đồng Hữu Chung có niên đại 2300-2100 năm trước công nguyên, có hoa văn trên mặt và thân trống phản ánh nhiều nét văn hóa đặc trưng của cư dân Lạc Việt. Các học giả trong và ngoài nước đánh giá trống Hữu Chung thuộc loại trống đồng độc đáo và tiêu biểu cho thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Trống đồng Hữu Chung đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Giang Chinh)
 
Bia Thủy Môn Đình do Nguyễn Đình Lộc - một viên quan triều Lê - dựng tại đình Thủy Môn (thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn) vào năm Cảnh Trị thứ 8 (1670). Phần đầu của bia có hai chữ "Việt Nam", thể hiện tên gọi, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc nơi cửa ngõ biên cương. Bia hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn)

2 nhận xét:

  1. Cám ơn anh đã làm giầu thêm kiến thức về văn hóa lịch sử VN ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy hôm cáp quang AAG chưa hàn nối ,vào blog rất bấp bênh! Thường phải ban đêm mới dò vào được,đưa được bài nào lên là may quá còn chuyện comment hầu như phải để lại! Nay thì vui vẻ trả lời mọi người. Mách cho nhau các điều biết được cũng là điều vui đó. Cảm ơn vu song thu.

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]