Đinh Hồng KỳDoanh nhân
Ảo ảnh “bốn chấm không”
Thứ hai, 15/10/2018, 00:35 (GMT+7)
Tôi mới gặp một công ty có sản phẩm đặc biệt ở thành phố Bologna, Italy. Họ làm ra một phần mềm ứng dụng trong thiết kế, sản xuất vật liệu xây dựng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Người dùng có thể khai thác cơ sở dữ liệu gạch lát của các hãng trên toàn cầu, áp dụng cho các thiết kế mình tự sáng tạo. Ứng dụng này lần đầu tiên giúp một người bình thường có thể làm được công việc của nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Tôi rất ngưỡng mộ và hỏi sâu về việc xây dựng ứng dụng tuyệt vời này. Họ nói nó được xây dựng và nâng cấp trong nhiều năm qua cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin. Tôi hào hứng nhắc đến khái niệm cách mạng 4.0, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây hay số hóa thì ngạc nhiên thay, họ bảo chẳng biết đến những trào lưu này. Họ chỉ đơn giản đã và vẫn làm như bao năm qua.
Nhờ xuất khẩu hàng đi nhiều nước, tôi thường xuyên tiếp xúc với doanh nhân khắp nơi. Điều khiến tôi ngạc nhiên là khi chúng tôi dùng cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” thì các công ty Mỹ, Anh, Pháp, Ý không hiểu ý chúng tôi muốn nói gì. Khi tôi giải thích về “cơ hội và thách thức” thì đối tác trả lời, họ không quá bận tâm đến “cách mạng 4.0”. Công nghệ thông tin liên tục thay đổi trong 20 năm qua và nó cứ thay đổi tới đâu thì họ ứng dụng tới đó tại doanh nghiệp của mình.
Hầu như ngày nào tôi cũng được, phải nghe cụm từ “bốn chấm không” ở Việt Nam. Hơn một năm qua, từ chính phủ tới các bộ ngành địa phương, doanh nghiệp, đâu đâu người ta cũng nhắc đến cách mạng công nghiệp 4.0. Trước một chuyến bay, tôi đọc trên điện thoại tin tức về một cuộc thi hoa hậu có câu hỏi ứng xử về cách mạng 4.0. Máy bay vừa hạ cánh, giở điện thoại, lại thấy email từ Quận ủy Bình Thạnh. Họ mời doanh nghiệp dự hội thảo của quận ủy tổ chức với chủ đề: “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và Thách thức”.
Mọi giới trong xã hội đã vào cuộc rầm rộ để đón nhận cách mạng công nghiệp 4.0 và cho rằng nó đã và đang diễn ra sâu rộng trên toàn cầu. Nhưng theo tôi, cần hơn là những hành động thực sự.
Hành động đơn giản là tạo ra môi trường tốt và sự hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp cùng cộng đồng khởi nghiệp để họ sống được thay vì phải bỏ cuộc. Rất nhiều dự án khởi nghiệp của người Việt đã chọn Singapore thay vì quê hương mình. Singapore đã tạo ra môi trường thân thiện đặc biệt với người kinh doanh từ các chính sách thiết thực về thuế, thủ tục. Ngân hàng Trung ương MAS đã cấp hàng trăm triệu USD để phát triển các dự án hỗ trợ ngành công nghệ và công nghệ tài chính. Không riêng Singapore, các nước Đông Nam Á quanh Việt Nam đều đã có những chương trình hành động rất cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng công nghệ. Trong khi đó, tại Việt Nam, rất khó có thể thấy được các chương trình hỗ trợ cụ thể của chính phủ.
Ở một khía cạnh khác, việc tuyên truyền thái quá về “cách mạng 4.0” khiến đã có những người coi nó như một sức mạnh thần kỳ. Trong một hội thảo của Microsoft tổ chức mới đây, tôi thấy đại diện một doanh nghiệp lên diễn đàn hùng hồn khẳng định rằng họ sẽ ứng dụng số hóa trong công ty với khẩu hiệu “Thay đổi hay là chết”. Cũng vận hành doanh nghiệp, tôi cho rằng số hóa trong hoạt động là tốt, nhưng không phải cứ số hoá ắt sẽ thành công. Sứ mệnh đầu tiên của doanh nghiệp là vật lộn với sự cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường, có lợi nhuận để duy trì hoạt động và đảm bảo đời sống nhân viên; muốn số hóa thì phải dựa trên nền tảng hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao, phải có sẵn sản phẩm tốt, cạnh tranh trên thị trường.
Hãy thử hỏi trong hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt đang vật lộn để tồn tại, có bao nhiêu người sẽ số hóa thành rồng. Việc hô hào thái quá và khẳng định vội vàng về “cuộc cách mạng” sẽ tạo ra những mặt trái, gây ra sự hoang mang bất ổn trong giới doanh nghiệp. Sẽ xuất hiện những doanh nghiệp nhỏ, có ngân sách hạn hẹp nhưng trước những lời đe dọa “thay đổi hay là chết” sẽ phải bỏ ra chi phí lớn cho việc chạy đua hệ thống, các ứng dụng số hóa chưa phù hợp.
Chúng ta không thể nghiêm trọng hóa quá đà một cuộc cách mạng nào đó. Bởi cuộc sống của con người không bao giờ đứng yên, nhưng nó không đảo lộn ngay lập tức một cách dễ dàng. Chỉ vài năm trước đây thôi, việc sử dụng điện thoại di động còn xa xỉ đối với người Việt thì nay, người bán rong cũng dùng điện thoại thông minh cho công việc. Họ chẳng hề tuyên bố có một cuộc cách mạng nào với bao nhiêu chấm trong thay đổi ấy.
Gần đây, người ta còn tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về chính phủ điện tử, thành phố thông minh, đô thị hiện đại. Tôi không biết cuộc cách mạng có diễn ra nhưng tôi chắc chắn những chiếc xe ô tô không người lái Tesla không thể vận hành trên những con đường luôn tắc nghẽn hay ngập nước của TP HCM. Sẽ vẫn có những kỹ sư điện toán e ngại đến Việt Nam làm việc chỉ vì an toàn thực phẩm. Không có cuộc cách mạng “mấy chấm” nào trong giáo dục để sáng mai trẻ em miền núi, vùng xa không còn phải bơi qua sông hay bị bắt nghỉ học, ngay lập tức giúp mỗi bệnh nhân ở Bệnh viện ung bướu TP HCM được nằm một giường riêng thay vì ghép với hai người khác.
Cải thiện chất lượng sống đồng đều cho mọi người dân mỗi ngày mới là mục tiêu cốt lõi của của các nhà quản lý. Gọi tên đúng mục tiêu phát triển, thì việc khoác lên nó một cái áo “mấy chấm” chỉ còn là chuyện phụ.
Đinh Hồng Kỳ
rất tuyệt
Trả lờiXóa