Đánh trượt bài thi 10 điểm, thầy giáo dạy cô học trò nhỏ bài học đáng suy ngẫm
Hôm ấy, Nhung, cô sinh viên năm cuối của một trường đại học có buổi thi vấn đáp Tiếng Anh. Nhung bị đánh trượt dù vẫn hoàn thành rất tốt bài thi của mình. Nhưng cũng nhờ đó mà cô ngộ ra được rất nhiều bài học ý nghĩa trong đời.
Nghe đến tên của mình, Nhung tự tin bước vào phòng thi, chào thầy rồi bốc thăm chủ đề. Sau khi bốc được chủ đề: “Em hãy nói vài nét về người thân trong gia đình”, Nhung nở nụ cười rồi nói về mẹ của mình. Bài nói rất lưu loát, trôi chảy, đầy đủ, hơn hẳn những thí sinh lúc trước.
Thầy hỏi: “Mẹ em sinh năm bao nhiêu?”. Nhung trả lời với vẻ tự tin: “Dạ mẹ em sinh năm 1973 ạ!”
Thầy hỏi tiếp: “Ngày tháng năm sinh của mẹ em là bao nhiêu?”. Nghe xong mặt Nhung đỏ ửng lên, cô cúi mặt xuống bàn đánh mất vẻ tự tin trong giây lát.
“Em không nhớ hay em không biết?”, thầy lại hỏi tiếp. Nhung trả lời và không dám nhìn vào khuôn mặt của thầy như lúc cô mới bước vào phòng thi: “Dạ, em chưa bao giờ biết ngày sinh nhật của mẹ ạ!”.
Thầy lại hỏi: “Vậy mỗi năm sinh nhật của em, mẹ em có tổ chức sinh nhật cho cô con gái của mình không?”. Nhung khẽ đáp: “Dạ có thưa thầy! Năm nào mẹ em cũng làm một bữa cơm gia đình ấm áp để tổ chức sinh nhật cho em”. Nhung không biết từ lúc nào nước mắt mình đã dâng ứa trực trào.
Nghe xong, thầy giáo bình thản nói: “Lần này em trượt. Chúng ta hẹn gặp lại sau 1 tháng nữa nhé!”. Nhung cúi đầu chào thầy rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng thi.
Sau một tháng, Nhung gặp lại thầy. Lần này cô bốc được chủ đề nói về thú cưng mà mình yêu thích nhất. Cô vẫn hoàn thành xuất sắc bài nói.
Tuy chủ đề khác nhưng thầy vẫn hỏi: “Ngày tháng năm sinh của mẹ em là bao nhiêu?”. Nhung trả lời: “Dạ! Ngày 9 tháng 7 năm 1973, là ngày mai thưa thầy”.
Rồi cô nhìn thầy và nói: “Cảm ơn thầy đã cho em trượt bài nói lần thứ nhất để em có thể nhận thấy những sai sót của mình”.
“Em chưa từng biết ngày sinh nhật của mẹ. Em cũng nhận ra rằng chưa bao giờ mẹ nhận được lời chúc sinh nhật từ cô con gái của mình. Em chỉ biết ích kỷ nhận lấy sự quan tâm của mẹ mà quên rằng mình chưa bao giờ hỏi hôm nay mẹ đi làm về có mệt không?”
“Em không biết mẹ mình thích gì? Em không biết rằng mẹ làm việc vất vả ngày này qua ngày khác mà không có một phút nghỉ ngơi. Em cũng chưa bao giờ hỏi là đêm nay mẹ có ngủ ngon giấc không…. Thưa thầy, là cô con gái duy nhất của mẹ, là người bạn tâm sự thân thiết nhất của mẹ mà em chưa bao giờ biết làm những điều đó!”. Nhung nghẹn ngào đáp.
Cuối cùng cô sinh viên cũng đã vượt qua được buổi thi vấn đáp của mình. Bước ra phòng thi, khóe mắt cô vẫn ngấn đầy lệ. Cô khóc không phải vì buồn mà vì đã học được quá nhiều bài học quý giá trong đời. Ngoái đầu lại nhìn thầy giáo, Nhung run run nói: “Em sẽ ra bến xe về quê ngay bây giờ thầy ạ! Ngày mai sẽ là ngày hạnh phúc nhất của em từ trước tới nay. Em cảm ơn thầy!”.
Đừng chỉ biết nhận sự quan tâm từ mọi người, hãy giành nhiều thời gian hơn cho họ, đặc biệt là những người thân trong gia đình! Rất nhiều khi bạn vẫn quên nói lời yêu thương với cha mẹ mình, với những người luôn dành cho bạn tình yêu vô điều kiện. Hãy thay đổi để cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa, hạnh phúc và ấm áp hơn!
Quả là có nhiều trường hợp như vậy anh ạ! Các con chỉ biết được hưởng sự tinhf yêu mà không biết quan tâm đến bố mẹ. Cũng một phần cũng tại chúng ta không biết đòi hỏi, hướng dẫn...
Trả lờiXóaCâu chuyện này cho biết cô học trò nhỏ đã nhận ra bài học quý là tình yêu thương cha mẹ (ở đây là người mẹ) hơn cả bài học để thi cử! Ta thường nghe câu nói "nước mắt chảy xuôi" mấy gia đình có được con cái chăm lo tốt cho bố mẹ như chúng đã chăm cho con cái chúng? Cần suy nghĩ lắm chứ.
Xóa