(Dân trí) - Tết Nguyên đán đang đến rất gần, nhiều phiên chợ quê họp những ngày giáp Tết diễn ra nhộn nhịp, tấp nập người mua kẻ bán. Chợ quê bày bán nhiều mặt hàng từ nhỏ đến lớn và lưu giữ những nét văn hóa rất riêng của người Việt.
Vào những ngày này, nhịp sống như trở nên gấp rút hơn, nhất là ở chợ. Tại một số làng quê xứ Nghệ, các phiên chợ Tết kéo dài từ ngày 23-30 Tết, tùy theo từng vùng.
Chợ quê những ngày cuối năm nhộn nhịp, đông vui nhưng không quá ồn ào. Đó không chỉ là nơi người dân mua sắm Tết, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ. Đến với chợ quê xứ Nghệ, là đến với tình người, tình quê mộc mạc, ấm áp, chân tình.
Những phiên chợ quê vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp rất xưa trong truyền thông văn hóa dân tộc. Vào những ngày cuối năm, được đi một phiên chợ quê mới cảm nhận hết được không khí xuân đang về.
Các bà, các chị vẫn quẩy trên vai đôi quang gánh, chất đầy hàng sau xe để đến chợ. Các mặt hàng được bán chủ yếu phần lớn là của nhà làm được là cây chổi, bó rau, nải chuối chưa kịp chín...
Chợ quê những ngày giáp Tết càng đông vui. Ngoài những mặt hàng ngày thường, đi chợ vào những ngày này thấy đâu đâu cũng bày bán lá dong, lạt, cây quất, cành đào. Không khí Tết làm cả khu chợ quê rộn ràng, vui tươi hơn những ngày thường.
Khi trời mới tờ mờ sáng, những người bán hàng đến chợ, bày biện hàng hóa. Còn những người đi chợ cũng đến từ rất sớm để tìm mua thực phẩm tươi ngon. Phiên chợ quê ngày Tết thường họp đến đầu giờ chiều hoặc buổi sáng, nếu càng vào những ngày giáp Tết, chợ sẽ họp cả ngày.
Mọi người đi chợ để sắm Tết, tìm mua cho gia đình những vật dụng, thực phẩm cần thiết. Có người đến chợ chỉ để tìm mua được một cành đào, có người chỉ đi dạo chơi nhưng quan trọng là tìm lại không khí Tết của phiên chợ quê.
Về quê đi chợ ngày Tết, nhiều người xa quê tìm lại biết bao nhiêu thứ để nhớ. Nhớ lại ngày nhỏ được mẹ mua cho kẹo mật, bánh nếp, bánh kê thơm phưng phức... Những lần đi chợ với mẹ hay cùng lũ bạn mải mê ngắm những chùm bóng bay đủ màu sắc tung bay trên bầu trời rồi quên cả đường về nhà.
Chợ Tết còn có hương rất riêng của ngày Tết, đó là mùi của hoa quả ngày Tết, mùi của hương trầm ngào ngạt, mùi của lá dong, mùi gừng sả phảng phất đâu đó…
Chợ Tết, nhiều người như tìm về những kỷ niệm xưa, với nét văn hóa đã ăn sâu vào ký ức của mỗi người, nó là nơi thể hiện một phần đời sống của người dân. Nhiều mặt hàng quen thuộc với đời sống nông dân bày bán ở chợ quê ngày cuối năm vừa cho ta thấy những nét đẹp xưa cũ của dân tộc.
Dưới đây là một số hình ảnh rộn ràng chợ quê ngày Tết được PV ghi lại tại huyện miền núi Thanh Chương:
Mọi người chen chúc mua bán ngày cận Tết.
Người dân tranh thủ mua cau.
Cây nhà lá vườn với những trái bồ kết cũng được đem bán.
Từ củ gừng, củ nghệ... được bày bán.
Hàng dao và liềm cũng được đem bán.
Những cái kiềng, cái cào được những thợ rèn ở Thanh Chương làm đem bán ở chợ quê trong ngày Tết.
Đèn dầu một thuở giờ cũng được bày bán.
Đến những chiếc bánh rán, bánh chưng nhỏ do người dân tự làm.
Và một trong những thứ được mệnh danh đặc sản của của xứ Nghệ là chè xanh. Chè xanh ở vùng đất Thanh Chương được xem là nơi cung cấp nhiều chè nhất.
Những chiếc nồi đất được đem bán đủ loại.
Lịch Tết, câu đối,... được bày bán rất nhiều.
Hàng đậu hạt, ngô, lạc... đến cam được bày bán la liệt.
Mía vườn cây dài, đẹp...
Hồn quê trong những chiếc bánh đa quạt than.
Chuối vườn nhà được bày bán đủ loại.
Tết đến mọi nhà đều sắm cho mình một cái rá, cái rổ, cái thúng... nên chợ quê ngày Tết mặt hàng này được bày bán khá nhiều, đủ loại.
Chổi đót cũng được bày bán khá nhiều.
Mặt hàng lá dong, cây giang được đưa từ rừng ra bán với số lượng lớn và thu hút người mua.
Chợ Tết ở quê không thiếu được mặt hàng trầu cau.
Thu Hiền
Bài viết quá hay và thú vị...
Trả lờiXóamáy massage chân
chậu ngâm chân
máy matxa chân
máy ngâm chân