Thành lập từ năm 1982, tính đến nay đã hơn 30 năm nhưng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) chưa từng có một cô giáo.
Do ở vùng đặc biệt khó khăn nên các giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 được bố trí công tác đều là nam giới.
Nằm giữa bản làng người Mông, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 vốn được xem là một trong những điểm khó khăn nhất của huyện Quế Phong vì đường sá đi lại và các điều kiện vô cùng khó khăn.
Cách trung tâm thị trấn hơn 30 km, nhưng để vào được trường phải đi mất cả ngày. Bởi để đến được điểm trường của mình, các giáo viên nơi đây hằng ngày phải đi xe máy vượt qua một trong những cung đường dốc, hiểm trở bám theo sườn núi. Con đường này mùa khô cát bụi mịt mù, mùa mưa thì ngập trong bùn đất lầy lội.
Đây còn là ngôi trường biết đến với nhiều “không”: không đường ôtô, không điện, không sóng điện thoại, không Internet,…
Để đến được trường, các giáo viên nơi đây phải vượt qua những cung đường vô cùng khó khăn.
Vào mùa mưa, các thầy giáo quen với cảnh đường đất vào trường ngập bùn lầy lội .
Những điều kiện quá khó khăn cũng chính là nguyên nhân khiến ngôi trường này kể từ ngày thành lập đến nay không hề có bóng dáng của các cô giáo. Thay vào đó, 44 thầy giáo vẫn ngày đêm miệt mài cắm bản, vượt khó để gieo chữ ở tất cả 6 điểm trường với 29 lớp học.
Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Hồng Hiệp, người đã 7 năm gắn bó với mái trường này cho rằng điều kiện quá khó khăn nên có lẽ cũng chỉ các thầy giáo mới có đủ sức khỏe để có thể công tác tốt được.
“Có lẽ cũng do điều kiện địa hình khó khăn, vất vả quá nên lãnh đạo phòng giáo dục cũng chỉ xếp toàn thầy giáo. Chưa kể, việc đi xe máy cũng khó, chúng tôi đàn ông con trai đi còn ngã liểng xiểng do đường xấu, khi thì bụi bặm khi thì ngập bùn, các cô khó mà đi được”.
Thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt và dạy học nhưng đổi lại các thầy giáo nơi đây lại rất đoàn kết và có nhau trong mọi hoạt động.
Theo thầy Hiệp, việc các cô giáo không được phân công về đây cũng là điều dễ hiểu bởi quá khó khăn về đường sá, sinh hoạt, cơ sở vật chất của trường vẫn thiếu thốn rất nhiều. “Do tính chất đặc thù nên giáo viên ở đây ở lại trường. Nhưng khi có khách về trường thì anh em đã phải vào bản xin ngủ nhờ. Giờ nói thật là nếu có thêm một cô giáo, việc bố trí phòng, chỗ ngủ cho các giáo viên cũng rất khó khăn và bất tiện”, thầy Hiệp nói.
Việc không có giáo viên nữ cũng có nhiều bất tiện trong quá trình dạy học và các phong trào của trường lớp.
“Với các học sinh lớp 1, 2 thì các cô giáo sẽ tiện hơn rất nhiều. Ví dụ như chăm sóc, hướng dẫn cho các cháu sinh hoạt, đặc biệt là các em học sinh nữ. Trong quá trình dạy, các em học sinh lớp 1, 2 rất nhỏ, và thường còn rất kém về ngôn ngữ nên việc chăm sóc của các thầy chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với các cô giáo khéo léo, uyển chuyển. Với các học sinh lớp 4, 5 thì có thể cứng rắn hơn nhưng với các học sinh lớp nhỏ cần sự mềm mại, nhẹ nhàng”.
Một buổi họp giáo viên của trường.
Tuy nhiên, không vì thế mà thầy Hiệp cùng đồng nghiệp nản lòng, thay vào đó là tập làm quen và cố gắng khắc phục bằng mọi cách có thể. Các hoạt động văn nghệ có thể đơn giản hơn nhưng không bao giờ là thiếu dưới mái trường.
“Các thầy cũng tập các tiết mục văn nghệ cho các em học sinh. Những bài hoặc động tác múa khó quá thì đành thôi, nhưng thay vào đó nghĩ ra những động tác, tiết mục đơn giản”, thầy Hiệp cười.
Nơi đây, các thầy giáo quán xuyến tất cả mọi việc từ dạy học...
...cho đến các phong trào, hoạt động của trường lớp.
Thậm chí, có giai đoạn học sinh trường nhận được chương trình hỗ trợ ăn trưa, các thầy giáo phân công để thay phiên nhau vào bếp nấu ăn cho các em học sinh.
Trường Tiểu học Tri Lễ 4 hiện có 44 thầy giáo, nhưng lại có tới 6 điểm trường lẻ nên tính ra mỗi điểm cũng thường chỉ có sự có mặt của 5-6 giáo viên.
Kể từ khi thành lập đến nay, các học sinh nơi đây cũng quen với việc chỉ có các thầy giáo.
Thế nhưng các thầy giáo nơi đây lại rất đùm bọc và cùng nhau tham gia nhiều công việc sau giờ lên lớp như chơi thể thao hay cùng nhau đánh bắt cá, nấu ăn và có những bữa cơm cùng nhau.
Chính tinh thần đoàn kết, hỗ trợ đó khiến các thầy giáo công tác nơi đây chưa bao giờ cảm thấy cô độc khi ở một nơi mà “không thể liên lạc được bởi không có sóng”.
Theo VietNamNet
Điều đặc biệt ở ngôi trường 35 năm không có nữ giáo viên
GiadinhNet - Trường tiểu học Tri Lễ 4, ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An) có gần 400 học sinh toàn người Mông trên đỉnh núi heo hút. Nhưng điều đặc biệt của ngôi trường này là từ khi thành lập (1982) đến nay tuyệt nhiên không có bóng dáng của một nữ giáo viên.
Các em học sinh vui đùa khi được đến trường. Ảnh: V.Đồng
Chỉ với 30km đi hết ít nhất 3 giờ
Từ thị tứ Châu Thôn đến Trường tiểu học Tri Lễ 4, ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An) dài khảng 30km. Người chở tôi vào trường bằng xe máy là thầy giáo Lữ Văn Phòng với 18 năm “cắm bản” để dạy chữ cho con em đồng bào Mông, nên có tay lái chắc chắn nhất trong số giáo viên của trường. Thầy Phòng cười vui rồi hỏi: “Các anh đã chuẩn bị dầu để bóp người chưa. Vì suốt 3 giờ đồng hồ vào trường các anh phải gồng mình để vượt qua những đoạn đường lởm chởm đá, hố voi, sống trâu và những vũng bùn đã khô. Đó là chưa kể việc lên đèo, xuống dốc cheo leo men theo các sườn núi cao. Hầu hết những người vào trường lần đầu ai cũng bị đau, mỏi nhừ cả người đấy”.
Sau khi kiểm tra lại nhông xích xe máy lần nữa, thầy Phòng vui vẻ thông báo cho chúng tôi tin vui, nhông, xích còn mới. “Giờ mới 15h chiều, nếu thuận lợi thì lên điểm trường chính mất gần 3 tiếng đồng hồ nữa. Muộn thêm phút nào là vất vả thêm phút đó”, thầy Phòng nói.
Ngồi lên chiếc xe máy lấm lem bùn đất, thầy gồng người chở tôi leo lên đoạn dốc đất đá lởm chởm như chông đá phía trước. Lên dốc đầu tiên này các thầy thường nói vui là “chạy rô-đa thử xe”, nếu có vấn đề gì thì quay lại sửa ngay. Vì lên một đoạn nữa là mất sóng điện thoại, không thể liên lạc được, cuộc sống giữa vùng rừng này xem như tách biệt với thế giới dưới xuôi. Tôi ngồi sau xe ngước nhìn rừng núi mù mây mà ngợp. Hai bên đường tuyệt nhiên không có một ngôi nhà.
Những ngày trời khô ráo, các thầy có thể đi một mình, còn những ngày mưa gió, mù sương thì bắt buộc phải có 4-5 người đi trên 2-3 xe để hỗ trợ nhau. Theo thầy Phòng, trên miền sơn cước này sợ nhất là trời mưa và sương mù vì mưa khiến đường trơn trượt, sương mù khiến tầm nhìn hạn chế, rất dễ xảy tai nạn. Chỉ vào đoạn dốc Đỏ, thầy Phòng nói đoạn đường này khi mưa xuống sẽ thành "sông bùn đỏ" đặc quánh, xe máy đi vào là dính như nhựa không tài nào nhích đi được. Qua dốc Đỏ đến dốc Măng Đắng, dốc Ông Lốc đều lâm vào cảnh đó. Lạc tay lái thì chỉ có cách lao xe vào vách núi xây xát, bầm dập là chuyện thường.
Nếu đang đi không may gặp trời mưa to, các thầy phải dùng những đoạn xích xe máy hỏng quấn chặt lấy lốp nhằm tăng ma sát để bám đường chắc hơn, nhất là khi từ đỉnh dốc dựng đứng xe đi như “trôi” tuồn tuột xuống. Mỗi lần có việc ra huyện đi họp hoặc ra mua lương thực, thực phẩm các thầy luôn mang theo túi “hồ lô”. Túi “hồ lô” này được các thầy cắt từ ống quần dài đã cũ, cột chặt hai đầu để đựng cờ lê, mỏ lết, bu di, bơm xe, miếng vá...
Trầy trật mãi rồi chúng tôi cũng đến được điểm trường chính đóng ở bản Mường Lống. Thầy Phòng cho biết, Trường tiểu học Tri Lễ 4 còn có 5 điểm trường lẻ nằm rải rác trên các đỉnh núi cao. Đường vào các điểm trường này còn khó khăn, nguy hiểm gấp nhiều lần so với chặng đường vừa đi.
Thầy hóa trang thành cô giáo
Cheo leo đường đến trường.
Vừa đặt chân đến lưng chừng bản Mường Lống, chúng tôi đi qua cổng trường được dựng bởi hai thanh gỗ cũ sờn. Phía trước hiện lên dãy phòng học được dựng bằng ván mỏng. Thầy Phòng chia sẻ: “Đây là điểm chính của trường, gồm 5 phòng học với 112 học sinh, còn 5 điểm trưởng lẻ còn phải đi vào sâu vào hàng chục cây số nữa”.
Mùa đông trên điểm trường này gió lạnh như cắt da, cắt thịt. Gió lùa vào các khe ván gỗ mỏng xung quanh phòng ở của các thầy khiến mùa đông thêm buốt giá. Bữa cơm tối chúng tôi được các thầy giáo mời món “đặc sản” gồm canh “nòng nọc” và rau “châu âu”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên về hai món ăn này, thầy Vi Văn Dương giải thích: “Canh nòng nọc ở đây gọi là canh ột. Khi nồi nòng nọc được đun nóng lên thì cho bột gạo trộn với nhau sền sệt như cháo. Món này là “đặc sản” của cánh giáo viên ở đây, chỉ tháng 12 mới có”.
Để có món “đặc sản” này các thầy phải đi ngược lên núi chừng 30 phút, ngâm mình dưới suối lạnh mới vớt được những con nòng nọc to béo. Còn rau “châu âu” chỉ là rau má, rau húng và nhiều loại rau, cỏ khác mọc dại ven suối được hái về. Cực quá nên các thầy gọi “vống” lên là rau “châu âu” cho có vẻ sang trọng. Ngoài ra, thực phẩm chủ yếu của các thầy là cá mắm, cá “đinh” (cá cơm khô), mỡ lợn. Thầy Phòng tâm sự: “Hầu hết các món thực phẩm đưa lên đây đều phải ướp muối, nhất là mỡ lợn để giữ cho được lâu. Mùa đông rét buốt, mưa dầm có khi cả tháng trời không xuống dưới xuôi mua thực phẩm được nên hai món này là cứu cánh, pha thêm gói mì tôm làm canh cũng tiện lắm”. Còn thầy Dương chỉ vào bát canh mì tôm lên tiếng: “Mì tôm vừa làm canh những ngày rét buốt và là bữa sáng chính của chúng tôi. Nhưng có tuần cũng chỉ ăn sáng 1-2 lần thôi, còn lại khi “kho lương” cạn kiệt thì phải để bụng lép lên lớp”. Khi hết thực phẩm dự trữ, các thầy thay phiên nhau đi bắt cá, soi ếch, nhái và bẻ măng về tự chế biến.
Dưới bóng đèn tiết kiệm điện phát ra thứ ánh sáng mờ đục, thầy Phòng cho hay, điện mới có được gần một năm nay do những nhà hảo tâm tài trợ 4 hệ thống pin năng lượng mặt trời nhưng phải dùng rất tiết kiệm vì ở đây mưa nhiều hơn nắng. Trước đây, mọi sinh hoạt vào buổi tối chúng tôi phải thắp đèn dầu. Gió thổi mạnh quá, đèn tắt thì dùng đèn pin. Lúc ngồi ăn hai chiếc đèn pin được treo lên xà gỗ, dọi xuống. Còn lúc soạn giáo án thì buộc đèn trên đầu mà đọc, viết”.
Trên này không có sóng Vinaphone, sóng Viettel thì rất yếu nhưng các thầy đều sắm cho mình chiếc máy điện thoại vừa để soi sáng vừa xem lại ảnh vợ con những lúc mưa gió cho đỡ nhớ nhà. Cả tháng trời không về nhà được, muốn nghe tiếng vợ con trò chuyện các thầy phải leo bộ lên núi cao để đón “sóng rơi”.
Điểm trường chính tuy thế vẫn còn đỡ hơn, tại điểm trưởng lẻ Nậm Tột thì khó khăn không thể so sánh được. Thầy Phòng kể: “Trên đó, một cái hộp ván được dựng trên cái cột giống như một cái chòi, gọi là “bốt điện thoại đi dộng”. Muốn bắt được “sóng rơi” các thầy phải chui đầu vào trong hộp ván may lắm mới gọi về nhà được. Nhưng khi tai nghe thì cùi tay phải ghì chặt xuống ván như đóng đinh, nếu không khi có tín hiệu mà rung tay là mất sóng ngay”.
Điểm trường Nậm Tột mái nhà lớp học đang còn là những tấm ván móng thủng lỗ chỗ. Mưa và sương xuống thì các em học sinh ngồi tránh chỗ dột để học. Còn buổi tối, mưa và gió thốc vào, các thầy lấy bạt che tạm nhưng cũng không ăn thua, phải nằm nép vào một góc. Lạnh thấu xương.
Có lẽ cũng chính vì những khó khăn này mà bao lâu nay nhà trường không có bóng dáng của nữ giáo viên. “Trong việc giảng dạy những môn khoa học xã hội, tiếng Việt nếu có các cô giáo thì bài giảng sẽ uyển chuyển, tốt hơn cho các em học sinh. Nhưng trường không có cô giáo thì chúng tôi sẽ “hóa trang” thành cô giáo để dạy học. Có hôm các thầy đóng thành cô giáo Mông với trang phục đặc trưng để tập văn nghệ cho các em xem. Ví dụ, có tiết mục văn nghệ “Tiếng kèn mùa xuân” của chúng tôi, xuống huyện đi thi cách đây mấy năm đã giành được giải. Tiết mục này có 4 thầy giáo hóa trang thành nữ để diễn. Khi đến tiết mục văn nghệ của trường chúng tôi thì cả hội trường đều bất ngờ và vỗ tay không ngớt”, thầy Dương kể.
“Các thầy giáo ở đây còn thay nhau cắt móng tay, móng chân rồi chải đầu cột tóc cho các em học sinh nữ. Các thầy bảo, công việc này là các cô làm hợp hơn nhưng dạy chữ còn làm tốt, múa hát còn “kiêm” được thì việc này không khó khăn gì. Lúc đầu thì còn bỡ ngỡ nhưng làm nhiều rồi nên quen. Mỗi dịp nghỉ hết Tết xuống trường, quà của các em học sinh là quả bầu, bí, bó rau rừng. Nhận được quà của học sinh, chúng tôi ấm lòng lắm. Nhưng hạnh phúc nhất là được thấy các em học chăm ngoan, thứ hai đầu tuần đến trường là hát vang Quốc ca giữa những bản làng cheo leo trên đỉnh núi cao này là quên hết con đường đầy khổ ải, nguy hiểm dưới kia”.
Thầy Lữ Văn Phòng
Vũ Đồng
thương các em nhỏ,các thầy thật kính mến
Trả lờiXóain tờ rơi giá rẻ
Xin chào! Và cảm ơn Phương Alothietke.
XóaChúc các em vùng cao năm mới 2017 đầy niềm vui và hạnh phúc
Trả lờiXóaCảm ơn Eva air. Chúc tốt lành.
XóaCảm phục những thày giáo vùng cao quá!
Trả lờiXóaĐúng là như vậy !
Xóa