16 tháng 7, 2017

Bốn câu thơ thắm đượm nghĩa tình đồng đội

Bốn câu thơ thắm đượm nghĩa tình đồng đội


 
Tác giả: NghiPH
                                                         NghiPH

1.Về tác giả

Anh Lê Bá Dương tự kể: Bố tôi là người TP. Vinh, mẹ quê Diễn Châu, gia đình lên Nghĩa Đàn ở, tôi lại sinh ở Hà Nội, học ở Hà Đông, 13 tuổi về lại Nghệ An, 15 tuổi tôi trốn nhà đi bộ đội.

Anh Lê Bá Dương hiện nay là nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội viên hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, là nhà báo, phóng viên thường trú của báo Văn hoá tại Nha Trang.

Nhập ngũ năm 15 tuổi và ngay trong trận đánh vào thôn Tây Trì (Đông Hà) khi 15 tuổi “cộng” 49 ngày, anh đã trở thành dũng sỹ diệt Mỹ. Những năm tiếp theo từ 1968 đến 1973, qua nhiều trận đánh nổi tiếng trên chiến trường Quảng Trị, anh đã được tặng nhiều danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt cơ giới, dũng sỹ diệt máy bay… Người chiến sỹ với hơn chục vết thương trên khắp cơ thể đã hai lần được đề nghị tuyên dương anh hùng nhưng rồi vết thương chồng vết thương, việc hoàn tất hồ sơ mấy lần dở dang không thành.

Hồi ấy, trên mặt trận B5 từng đã dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương mặt trẻ măng, kẹp AK giữa chiến trường khói lửa mà mắt cứ trong văn vắt, môi mím chặt mà cứ thấy phảng phất một nụ cười. Dạo đó, chiến trường Quảng Trị, mỗi ngày hao hụt quân số hàng trăm. Cái thuở máu lửa, xác ta và xác địch lộn tùng phèo, đất đá không đủ để che quân...

2. Về bản thảo ban đầu của bài thơ Đò lên Thạch Hãn

Từ năm 1976, năm nào anh Lê Bá Dương cũng về Quảng Trị thăm viếng đồng đội đã hy sinh. Năm 1987, như mọi năm, Lê Bá Dương về lại Quảng Trị, vào chợ mua hoa. Trước đây anh chỉ hái hoa dại, hoa rừng. Năm 87, lần đầu tiên anh mua hoa ở chợ. Xuống sát mép sông Thạch Hãn anh gặp một bà thuyền chài. Anh bảo: - Mệ cho con đi thuyền dọc sông một vài tiếng, hết bao tiền con trả. Bà cụ đồng ý 8 ngàn đồng một tiếng. Anh ngồi thuyền thả hoa trên sông, nước mắt nhạt nhòa. Bà cụ không nói gì, nhìn anh thả hoa và lặng lẽ chèo đều đặn. 4 tiếng sau, anh bảo 8 ngàn/1 giờ, 4 giờ con trả mệ 50 ngàn. Bà cụ quỳ xuống, khóc nói: - Mi làm rứa sao mệ dám lấy tiền của mi!

Chào mẹ, anh lên bờ, ngồi bó gối nhìn dòng sông. Hoa vừa thả dập dờn trôi theo dòng nước. Anh miên man nghĩ: Anh em đang nằm dưới sông, bập bềnh theo những cánh hoa. Có cái thuyền máy chạy ngược lên, bọt nước khua trắng. Tự nhiên nước mắt anh ứa ra. Trong đầu anh hình thành những vần thơ. Nguyên văn ban đầu là:
          
            Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
            Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
            Tan chợ chiều xuôi đò có vội
            Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong

Lời bình:

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ- đó là lời thỉnh cầu của người cựu chiến binh đối với những ai đi lại trên dòng sông này. Dưới đáy sông các bạn tôi đang yên nghỉ, xin đừng khuấy động. Hãy để cho các bạn của tôi ngủ yên!

Mọi người qua đây là qua một nơi linh thiêng. Biết bao chàng trai của đất Việt đã nằm xuống trong lòng dòng sông này. Hãy dành những phút giây lắng đọng bên họ. Có vội, có vội đến mấy cũng xin nhớ rằng, rất nhiều, rất nhiều đồng đội tôi đang nằm dưới đó. Đừng làm gì khuấy đục dòng trong của con sông đã ôm ấp đồng đội của tôi vào lòng đất mẹ.

Phải chăng cuộc đời như một phiên chợ chiều? Người ta cứ vội vội vàng vàng bán mua? Anh thỉnh cầu, anh tha thiết mong muốn những người sống trên mảnh đất này đừng khuấy đục dòng đời. Anh dùng hai lần từ “xin” trong một câu thơ. Ai đó khuấy đục dòng đời là có tội với những người đã ngã xuống cho đất nước có hòa bình, tự do hôm nay.

Phải chăng, đây chính là những điều mà Lê Bá Dương muốn chia sẻ với chúng ta. Bởi vậy, bản thảo đầu tiên của bài thơ Đò lên Thạch Hãn đã là một bài thơ rất hay. Nó có giá trị riêng của nó.

3. Bài thơ Đò lên Thạch Hãn đã được tác giả sửa theo gợi ý của bạn bè

Lê Bá Dương đọc bài thơ Đò lên Thạch Hãn cho các anh Thế Vũ, Đỗ Kim Cuông nghe. Các anh ấy rất thích bài thơ này, đồng thời có góp ý và khuyên Lê Bá Dương sửa lại để đăng báo. Lê Bá Dương đã sửa và chúng ta có bản cuối cùng của bài thơ như sau:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.


Lời bình:


So với bản ban đầu, ở câu đầu từ “xin” được thay bằng từ “ơi”.  Câu thứ hai vẫn giữ nguyên. Hai câu cuối được thay mới hoàn toàn.




Trong câu thứ nhất, từ “ơi” là thán từ. Ơi gắn với gọi đò. Ở nhiều địa phương, dân ta vẫn gọi: Ơi… đò, bớ… đò! Tiếng gọi vang vọng trên mênh man sóng nước. Tiếng gọi trôi theo dòng sông. Trong bản ban đầu tác giả dùng từ “xin”.  “Xin” thể hiện sự mong ước về sự tĩnh lặng. “Ơi” thể hiện sự lan tỏa theo không gian, theo thời gian. Ơi… đò, bớ người vang vọng mãi một lời nhắc nhở Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước- một câu thơ đau đáu.  Một câu thơ làm thổn thức trái tim tôi. Tôi nhớ đến cả một thế hệ “tuổi hào hoa ra trận”. Cả một thế hệ mười tám đôi mươi rời ghế trường phổ thông, trường đại học xung trận. Được huấn luyện cấp tốc 2- 3 tháng, biết bắn là xuất quân. Vào trận bắn xong, chưa biết tránh làn đạn bắn trả. Lóng nga lóng ngóng. Lính mới toe mà. Có anh chưa kịp bắn một viên đạn nào đã hy sinh. Vượt qua sông không bị thương, không hy sinh đã là có chiến tích rồi. Giáp mặt với đối phương- hy sinh. Đi lấy gạo, lấy đạn- hy sinh. Đi hái rau- hy sinh. Đi chôn cất đồng đội- hy sinh. Đưa đồng đội bị thương về tuyến sau- hy sinh… Cả một thế hệ tuổi đôi mươi ra đi không về với Mẹ. Các anh không bao giờ già như tôi, như các chị các anh. Các anh “mãi mãi tuổi hai mươi”!

Thế rồi tuổi hai mươi của các anh thành sóng nước. Dòng sông thực dường như không thấy nữa. Ta thấy một dòng sông tâm linh của tuổi trẻ, của tình yêu bất diệt đang chảy hiền hòa, đang vỗ về những người mẹ, người cha, người vợ ngày đêm trông ngóng. Ở tầm rộng lớn hơn, những sóng nước ấy ôm ấp, giữ gìn đất nước này, vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm  

Hai câu thơ mới Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm có sức khái quát rất cao. Một thế hệ đã hy sinh vì sự trường tồn của đất nước. Tổ quốc và mỗi người chúng ta mãi mãi biết ơn các anh!

4. Những dị bản
      
Dị bản 1:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
          
Dị bản 2:

Đò xuôi Thạch Hãn ơi  chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
         
 Dị bản 3 :

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn  bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...

Dị bản 4:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi hòa sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...


Cuối cùng xin thông báo một lần nữa: Bài thơ Đò lên Thạch Hãn của anh Lê Bá Dương đã được anh Trần Bắc Hải- một người KGU chúng ta phổ nhạc. Đây là một bài hát hay, rung động lòng người. Mời anh chị em mở nghe theo đường dẫn sau đây:

       http://www.studentkgu.vn/music/song/id_708/

Chú thích: Trong ảnh, Lê Bá Dương là chiến sĩ đang cầm súng AK


Người post: NghiPH
Ngày đăng: 23-07-2012 13:01

"CÓ TUỔI HAI MƯƠI THÀNH SÓNG NƯỚC" Nhạc: Trần Phú Cử ; Phỏng thơ :Lê Bá Dương, Nguyễn Hậu (Cstc QT)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]