15 tháng 12, 2012

GS TOÁN HỌC VŨ HÀ VĂN



Nhà toán học thế giới mang hộ chiếu Việt Nam

Giáo sư Vũ Hà Văn, nhà toán học hàng đầu thế giới, sống và làm việc ở nước ngoài nhưng anh vẫn luôn giữ quốc tịch Việt Nam.

Giáo sư Vũ Hà Văn.
Cái tên Vũ Hà Văn được nhiều người biết đến sau sự kiện năm 2008, anh vinh dự được nhận Giải thưởng Polya, một giải thưởng lớn của Hội Toán học Ứng dụng và Công nghiệp Hoa Kỳ (SIAM).
Với anh, quê hương Việt Nam luôn là niềm tự hào để anh giới thiệu với bạn bè thế giới. "Tôi không có ý định từ bỏ tấm hộ chiếu phổ thông bìa xanh của Việt Nam", Vũ Hà Văn nói.
Anh và vợ con vẫn về Việt Nam thường xuyên. Anh hiếm khi từ chối những lời mời giảng dạy tại Viện toán hay các trường đại học trong nước. Giáo sư Vũ Hà Văn giảng bài mà không cần một giáo án nào, nhưng những bài giảng của anh không thể nhầm lẫn vào đâu, mạch lạc và dễ hiểu. Nhiều người nghe anh giảng toán có cảm giác như nghe cha anh - nhà thơ Vũ Quần Phương bình thơ.
Từ 18 đến 24/8/2012, tại một hội nghị toán học tổ chức ở Đức, cái tên Vũ Hà Văn xướng lên với giải thưởng Fulkerson – giải thưởng quốc tế lớn về toán học. Khi đó, thay vì tham dự một buổi lễ trang trạng trong khuôn khổ khai mạc của Đại hội toán tối ưu thế giới (tổ chức ba năm một lần) diễn ra tại nhà hát lớn Berlin, Đức nơi vinh danh Vũ Hà Văn, thì anh vui vẻ tham gia buổi giao lưu với các em học sinh yêu toán tại Huế, trong đó có rất nhiều em bé “còn quàng khăn đỏ và mang vở dán nhãn gấu bông".
"Đó là hội nghị lớn của toán học Việt Nam và là dịp gặp gỡ nhiều đồng nghiệp, nhất là các bạn trẻ đang chuẩn bị dấn thân vào một con đường nhiều chông gai. Sự có mặt của tôi ở đây có lẽ có chút ý nghĩa thiết thực hơn", anh Văn nói.
Tuổi thơ nhọc nhằn
Vũ Hà Văn sinh ngày 12/6/1970 tại Hà Nội, trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Cha anh là nhà thơ nổi tiếng Vũ Quần Phương, còn mẹ là dược sĩ Đào Thị Hường.
Vũ Hà Văn thích đọc thơ do cha sáng tác, anh cũng thích đọc sách văn học, tiểu thuyết nhưng tất cả đều không bằng tình yêu toán học.
“Tôi thấy giữa làm toán và làm thơ có một điểm rất giống nhau, đó là tính logic cao và đều cần một mẫu số chung là sự đam mê".
Mẹ là người đã truyền ngọn lửa đam mê và khơi gợi niềm yêu thích môn toán trong cậu bé Vũ Hà Văn ngày nào.
Một câu chuyện về mẹ mà anh Văn vẫn còn nhớ mãi. Trước hôm thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội, mẹ đã thức cùng anh để “truy bài” môn Hóa. Thật tình cờ, rất nhiều câu trong đề thi lại rơi đúng vào phần hai mẹ con ôn tập từ tối hôm trước. Vì vậy, không khó để Vũ Hà Văn "kiếm" điểm 10. Anh trở thành "á khoa" của Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Nhờ thành tích này, anh được tiêu chuẩn đi theo học nước ngoài và sang Hungary học. Chia sẻ quãng thời gian học tập tại Hungary của con trai, nhà thơ Vũ Quần Phương không khỏi xúc động kể lại: "Tất cả các đồ dùng cần thiết cho cuộc sống như quần áo, sách vở, radio... Văn phải mua lại của sinh viên tốt nghiệp về nước với giá chỉ bằng 20 - 30% so với đồ mới".
"Những năm Văn ở Hungary thiếu thốn lắm, học bổng chỉ đủ ăn, thế mà sau 3 năm học đầu, Văn tiết kiệm được 100 USD mang về cho bố mẹ. Khi cầm đồng tiền ấy, tôi thực sự rất xúc động và thương con".
Vũ Hà Văn cùng vợ và hai con.
Giáo sư toán lừng danh thế giới
Vũ Hà Văn tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Eotvos, Budapest, Hungary năm 1994.
Anh cho biết: "Thật ra tiểu sử khoa học của Văn có một điểm khác, so với phần lớn những người làm toán khác. Đó là Văn khi mới vào đại học không theo học ngành toán, mà là hoc điện tử tại Đại học Bách khoa Budapest".
"Sau đó tôi mới chuyển sang trường Eotvos. Thành ra việc trở thành người làm toán cũng một phần là do say mê, một phần có số mệnh sắp đặt vậy, chứ con đường không được thẳng băng như một số người làm toán khác".
Vũ Hà Văn bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Yale, Mỹ, năm 1998. Sau thời gian làm hậu tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu cấp cao (IAS) Princeton và tại Ban Nghiên cứu của Microsoft, từ năm 2001 đến 2005, anh làm việc tại Đại học California ở San Diego, với tư cách trợ lý giáo sư, phó giáo sư và giáo sư .
Từ mùa thu năm 2005, anh trở thành giáo sư khoa toán, Đại học Rutgers, hiện anh là giáo sư Đại Học Yale (nơi anh bảo vệ tiến sĩ, năm 1998). Anh còn là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Paris từ tháng 6/2006.
Tính tới tháng 8/2010, giáo sư Vũ Hà Văn đã công bố 104 công trình trên các tạp chí uy tín nhất của toán học hoặc trên các tạp chí chuyên ngành. Anh còn được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá trong đó có giải thưởng Polya năm 2008.
Năm 2006, giáo sư Vũ Hà Văn cùng với Terencer Tao (giải thưởng Fields) xuất bản cuốn sách nổi tiếng Additive Combinatorics (Tổ Hợp Cộng Tính), một đóng góp mới cho Toán Học Rời Rạc.
Nếu Ngô Bảo Châu là bom tấn (đánh điểm) thì Vũ Hà Văn là bom rải thảm (đánh diện). Đó là hai nhà toán học có quốc tịch Việt Nam mở đầu cho thời kỳ thăng hoa của Toán học nước nhà. Năm 2009, Nhà nước Việt Nam công nhận Vũ Hà Văn là giáo sư kiêm chức tại Viện Toán học Việt Nam, khi anh 39 tuổi.
Theo VTC

           Vợ chồng GS Văn và Ô.Bà Vũ Quần Phương - bố & mẹ GS.
               Hai GS Ngô Bảo Châu và Vũ Hà Văn - bạn của nhau.

2 nhận xét:

  1. Cháu là David vào thăm nhà mới của cụ đây. Series về toán học VN của cụ đăng rất hay, bổ ích và rất đáng tự hào. Nhưng mổi ngày phải tốt hơn ngày hôm qua thì mới đáng vui ("Nhật tân, Nhật tân, hữu Nhật tân"); nếu không thì buồn lắm lắm. Cháu thấy là môn toán là môn nước ta có thể phát triển và có thể cạnh tranh sát nút với các nước tiên tiến trên thế giới. Thế mạnh của ta là: (1) chất xám (2) căn cơ cấu tạo của ngữ pháp tiếng Việt của chúng ta giúp cho ta nắm bắt được ý chính của vấn đề mà không bị lạc vào những chi li của ngôn ngữ. Điều này giúp cho ta phát triển cái "trực giác" (intuition) rất Cần thiết cho toán, chiến lược quân sự v v. (3) toán là môn " giấy và viết chì" (paper & pencil) không đòi hỏi nhiều thiết bị tốn kém. Có những ngành toán học rất có giá trị "thị trường", tức là người ta chịu bỏ rất nhiều để đầu tư vào nó-- thí dụ như những "algorithm" để dùng trong thị trường chứng khoán, hay là môn "cryptoanalysis" v v -- là những môn mà nước ta có thể phát triển và lấy được nhiều tiền trên thị trường.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn HoaHuongDuong David. VN có câu nói "Góp gió thành bão", và còn có các câu đại ý không cầu toàn, "quý hồ tinh bất quý hồ đa", hay như tiếng Pháp " Peu mais bien", ...ta có thiện ý cứ nói lên, chưa mong có hiệu quả ngay vì tạo được những chuyển biến xã hội thực vô cùng khó!Hãy cứ hướng đến điều tốt và thức tỉnh con người, trước mắt là thế hệ học sinh sinh viên đừng vô cảm,lợi ích cá nhân, không có phấn đấu thậm chí mưu cơ xấu xa ... Hàng ngày luôn có những tin cướp giật lừa đảo v.v.. mới đáng buồn !

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]