30 tháng 4, 2017

Người con rể ‘kỳ lạ’ của Tổng bí thư Lê Duẩn

* Theo Vietnam.net

Người con rể ‘kỳ lạ’ của Tổng bí thư Lê Duẩn

 Biên ra như thế để mà ngạc nhiên bởi quan hệ cha vợ chàng rể Lê Duẩn - Hồ Ngọc Đại khác, khác lắm.
Sinh thời, dạo cụ Kim Lân còn khỏe, thi thoảng cụ kêu tôi đến cho ké những cuộc tụ trong phạm vi hẹp mà có người gọi là kén người kén cả món nhắm. Một cuộc tụ như thế là vào dịp thanh minh cách đây hơn mươi năm, ở một cái quán nho nhỏ ngay phố Hạ Hồi gần nhà cụ.
Nghĩ tôi chưa biết, cụ Kim Lân gục gặc hướng vầng trán dô về cái người tóc bạc cước, khuôn mặt nhẹ nhõm ngồi ngay bên, rồi cụ buông nhỏ này cái người này lạ lắm đấy nhé
Biết tính cụ thường hay vống lên một chút về những người mình quý, nhất là khi giới thiệu ai đó, nhưng tôi chợt thấy cụ Kim Lân đang thực hiện đúng phương pháp gọi sự vật bằng cái tên của nó. GS Hồ Ngọc Đại quả là lạ. Ý cụ Kim Lân chắc là lạ hay.
GS Hồ Ngọc Đại lạ như thế nào?
Từ những năm bao cấp khốn khó đã nghe một nhà cải cách giáo dục Hồ Ngọc Đại. Và cũng chẳng ít những xầm xì rằng ông ấy là rể Tổng Bí thư thì người ta mới còn nể cho cơ hội và điều kiện để mà thực nghiệm này nọ chứ người khác thì còn lâu.
Tổng bí thư Lê Duẩn, Hồ Ngọc Đại, Trường Thực nghiệm, Bố vợ con rể, Bộ Giáo dục & Đào tạo
GS Hồ Ngọc Đại (hàng sau, bên trái) chụp ảnh cùng cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Ảnh tư liệu/ Zing.vn
Phương pháp Hồ Ngọc Đại từng gây dị ứng cho không ít người. Rằng mới là tiến sĩ giáo dục ở Liên Xô thì đã là cái chi? Mà nền giáo dục Xô viết thì đã hơn ai? Rằng đất nước này nhan nhản chán vạn các GS.TS, các nhà khoa học giáo dục từng chi dùng quỹ thời gian cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người chứ riêng chi cái ông Hồ Ngọc Đại.
Thế mà ông Đại cứ coi mình như ở cõi khác. Nhất là thời điểm năm 1978, ông sáng lập Trung tâm công nghệ giáo dục để tiến hành thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người (cả lý thuyết lẫn thực tiễn). Rồi những phát ngôn không giống ai, cứ như là thách thức "Một nền giáo dục biến học sinh thành con tin", "Phải thay đổi lại cơ bản nền giáo dục, cả nội dung, phương pháp, tổ chức".
Giới trí thức lắm anh cũng lườm nguýt GS Hồ Ngọc Đại theo kiểu hàng tôm hàng cá.
Miệng thế gian cái gọi là công luận của người Việt mình hình như khó thoát lối nghĩ xưa cũ? Tình cờ đã lâu tôi có vớ được một công trình khoa học hẳn hoi, mang máng có tên là Mối quan hệ giữa bố mẹ vợ và con rể qua Kho tàng ca dao người Việt. Qua khảo sát kỹ càng 100 bài ca dao Việt nói về mối quan hệ bố vợ chàng rể, tác giả nhận thấy số bài ca dao mang những biểu hiện tiêu cực chiếm tỷ lệ 62,1%, còn biểu hiện tích cực chỉ chiếm 37,9%
Thiên hạ từng ngạc nhiên nắc nỏm về mối quan hệ cha vợ chàng rể của vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng có cha vợ là Huỳnh Công Lý cũng là một chức quan nho nhỏ trong triều. Mối quan hệ vua tôi cha con ấy suôn sẻ hằng bao năm. Bỗng một ngày kia, các quan phát giác ra sự hà lạm công quỹ của viên quan Huỳnh Công Lý. Vua kiêm chàng rể Minh Mạng cho điều tra thấy đúng. Một việc hy hữu trong lịch sử Đại Việt là chàng rể ấy đã kiên quyết xử chém ông bố vợ tham nhũng.
Biên ra như thế để mà ngạc nhiên bởi quan hệ cha vợ chàng rể Lê Duẩn - Hồ Ngọc Đại khác, khác lắm và ông đã ứng xử, nói đúng hơn là đã sống theo cái cách riêng và lạ của mình.
Giáo sư quê gốc Nghệ An nhưng sinh ở Quảng Trị ở làng Vệ Nghĩa cách Bích La Đông làng TBT Lê Duẩn vài cây số. Cụ thân sinh của ông là Hồ Thâm, sinh ra trong gia đình nổi tiếng giàu có cự phú từng theo cụ Phan Bội Châu chống Pháp sau đó đi hoạt động cách mạng. Hai gia đình Lê Duẩn và Hồ Thâm có mối thâm giao. Khi mất cụ Hồ Thâm có ý nhờ cậy ông Lê Duẩn rèn cặp con mình.
Vậy nên ra Hà Nội, Hồ Ngọc Đại đã ở luôn nhà số 6 Hoàng Diệu với gia đình TBT Lê Duẩn suốt 6 năm trời. Khúc nhôi cô Lê Tuyết Hồng con gái ông Lê Duẩn bén duyên với chàng nho sinh Hồ Ngọc Đại rồi những năm tháng tu nghiệp bên Liên Xô và trở thành gia thất, nàng về công tác ở Bộ ngoại giao, chàng tiếp tục sự học trở thành tiến sĩ và tiếp tục sự nghiệp giáo dục ra sao là cả một câu chuyện dài…
Hình như mối quan hệ cha con nhà ấy được xây dựng trên cơ sở của lòng tin và tình thương. Nói ít người tin nhưng mùa hè năm đó nóng ghê gớm, một lần bắt gặp ông con rể phải té nước xuống sàn nhà cho mát, ông bố vợ Lê Duẩn đã bắt Hồ Ngọc Đại vào phòng làm việc duy nhất trong khu nhà có máy điều hòa. Hồ Ngọc Đại được toàn quyền sử dụng căn phòng rộng thênh xung quanh mình chất đầy các công văn, tài liệu quan trọng.
Bài báo đầu tiên của Hồ Ngọc Đại được đăng trên báo Tổ quốc. GS vẫn nhớ mang máng đại ý nói rằng mấy nghìn năm lịch sử, đất nước ta như một con thuyền trôi trên dòng sông, hai bên là rặng tre, bờ lũy che chắn, nên con thuyền ấy cứ thong thả trôi. Giờ con thuyền ấy đã ra đến cửa biển thì sao, phải cắm thuyền lại hay ra khơi. Nếu ra khơi phải đổi thuyền, đổi lái.
Bài báo nhanh chóng được đặt lên bàn bên Tuyên giáo. “Đổi thuyền đổi lái”, riêng cụm từ đó đã quá đỗi xa lạ và đồng nghĩa với việc người viết rước họa. Nhưng bữa cơm chiều hôm ấy ông bố vợ, TBT Lê Duẩn cầm về tờ Tổ quốc do bên Tuyên giáo đưa và chỉ nhìn anh con rể tác giả bài báo mà… cười, không nói gì thêm. Hồ Ngọc Đại cũng cười. Chao ôi phải giải mã cái cười của cha con nhà này ra sao nhỉ?
Tổng bí thư Lê Duẩn, Hồ Ngọc Đại, Trường Thực nghiệm, Bố vợ con rể, Bộ Giáo dục & Đào tạo
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Một bữa cơm nọ chỉ có hai cha con. Bố vợ Lê Duẩn đặt đôi đũa xuống nhìn thẳng vào mắt anh con rể chậm rãi thông báo một việc hệ trọng các chú đã bàn với ba và bác Sáu Thọ (Lê Đức Thọ) đã đồng ý là bố trí con sắp tới đảm nhận chức Thứ trưởng giáo dục kế tiếp là Bộ trưởng. Hoặc con đảm chức Thị trưởng thành phố Hà Nội. Nghe qua bố cũng thấy có tiền đồ…
Ông bố vợ đã cầm đũa lên lại hạ xuống khi thấy anh con rể cười Bố quan niệm như thế nào là tiền đồ.
Cũng rất nhiều gợi ý này khác nhưng ông con rể Hồ Ngọc Đại trước sau xin bố vợ cho tiếp tục cái công trình khoa học thực nghiệm của mình.
Xin lỗi, ông cụ đánh giá công trình của anh như thế nào? Tôi hấp tấp đặt câu hỏi với GS thì ông cười, khi đó tôi nản lắm…
Nản là ông bố vợ thẳng thừng rằng phải mất mấy chục năm nữa người ta mới hiểu được cách làm này. Mấy chục năm cho công trình mô hình giáo dục của mình không nản sao được? Nhưng ông bố vợ Lê Duẩn đã tiên liệu trước ở thì tương lai xa cho ông con rể… Ấy là khi các phụ huynh tranh nhau vào nộp đơn xin cho con mình được vào học lớp 1 tới mức xô đổ cả cánh cổng sắt của Trường thực nghiệm Hồ Ngọc Đại. Và sau đó năm 2013, Bộ GD&ĐT quyết định cho phép cuốn Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại được áp dụng trên quy mô toàn quốc thì GS mới thấy bố vợ mình đã đúng!
Năm đã lâu ấy, ngồi với ông Vũ Quốc Hùng đang đương chức Phó Chủ nhiệm UBKT, ông đột ngột nói với tôi rằng có chuyện này lạ lắm rằng cái ông GS Hồ Ngọc Đại ấy mà vừa trực tiếp đề nghị tôi cho cơ quan chức năng kiểm tra việc nhập nhằng kinh tế đang xảy ra ở chính ngôi trường mà mình phụ trách. Tôi hiểu lạ là cách nói của ông Vũ Quốc Hùng để chỉ một cấp độ thẳng thắn sòng phẳng của lương dân Việt trước nạn tiêu cực. Lạ bởi vì hiếm khi chuyện ấy xảy ra chăng?
Cũng biên ra đây một chuyện nữa để kết thúc bài viết. Ông Cố vấn Lê Đức Thọ lâm trọng bệnh. GS Hồ Ngọc Đại khi tới thăm, ông Cố vấn đã nắm lấy bàn tay GS thốt lên Bác là người của Ban Tổ chức đã duy nhất không thuyết phục được cháu… Nhưng cháu cũng có cái sai đấy nhé.
GS Hồ Ngọc Đại vội động viên rằng bác cứ nghỉ ngơi
Khi ấy hình như GS đang chợt nhớ đến một câu thơ cổ Tuế nguyệt đường đường lưu bất đắc/ Tạc phi kim thị chỉ tâm tri (Năm tháng cứ vùn vụt trôi làm sao mà giữ được/ Trước nay, sai, đúng chỉ lòng mình biết được mà thôi).
Xuân Ba

* Fiohantb : Xin đăng tải thêm 2 câu thơ chữ Hán:




Trong bài 
Thu nhật ngẫu thành (Nguyễn Tử Thành)

Tuế nguyệt đường đường lưu bất đắc, 
Tạc phi kim thị chỉ tâm tri.

Tháng năm trôi mãi không dừng 
Trước sai nay đúng chỉ lòng mình hay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]