30 tháng 3, 2013

NGƯỜI GIÀ SỢ GÌ ?

* Bài đăng theo Dân trí.


Nỗi sợ của người già
Cách đây 30 năm, khi bước vào tuổi 50, tôi chân tình hỏi ông bạn vong niên: “Cuộc đời này khi về già ông sợ điều gì nhất?”. Tức thì ông bạn trả lời: “Ở tuổi về già, tôi chỉ sợ duy nhất một điều là… chết đói!”.



Câu trả lời rất ngắn gọn, nhưng khiến tôi đêm ngày suy nghĩ. Bởi theo cách hiểu giản đơn thì hằng ngày người già ăn uống có tốn kém bao nhiêu?
Năm tháng trôi qua, tôi đã tìm đọc nhiều sách vở và qua nhiều trải nghiệm nên rất tâm đắc lời Phật dạy rằng: “… Con người sống ở trên đời có tám nỗi khổ, thì tuổi già… là một trong những nỗi khổ được coi là khủng khiếp nhất!”
Bởi ngoài xã hội, người có địa vị, chức tước cao, họ càng có nhiều quyền lực. Mỗi lời nói, mỗi bước đi, họ sẽ có nhiều người lắng nghe, có lắm kẻ vâng người dạ. Song với bậc làm cha, làm mẹ trong gia đình thì ngược lại. Bởi các cụ tuổi đời ngày một cao đâu còn làm ra hạt thóc, củ khoai… Dẫu rằng hằng ngày được con cháu gọi là ông, là bà, là cụ, là cố… nhưng sức khỏe ngày một kém; bệnh tật ngày một nhiều. Do đó tiếng nói và uy tín của các cụ sẽ ngày một tụt dốc và hết phần tác dụng.
Lúc đó, trong không ít gia đình, chân lý và lẽ phải sẽ thuộc vào những thành viên có khả năng kiếm được nhiều tiền.
Thế nên, cái sự … “chết đói “ mà ông bạn vong niên của tôi nói trước đây như đã được chứng minh đâu phải vì người già không có gì ăn. Mà do sự ứng xử nhạt nhẽo, thậm chí hắt hủi tệ bạc của con cháu.
Chúng ta đang sống trong thời đại nền khoa học văn minh đem lại lắm cái được, nhưng cũng làm mất đi không biết bao nhiêu cái hay, cái đẹp mà ông cha ta đã ngàn đời tạo dựng. Khi mà sức mạnh của đồng tiền có khả năng ngự trị trên nhiều lĩnh vực. Nền tảng gia đình đã bị tấn công từ mọi phía.
Cùng chung một mái nhà nhưng vợ chồng con cái đều có một phòng riêng biệt, cửa đóng then cài... Tình cảm của họ chỉ còn là những viên sỏi không hồn, huống hồ thân phận người già!
Phải chăng câu tục ngữ đáng giá ngàn vàng “Trẻ cậy cha, già cậy con” đã không còn tác dụng?
Đó còn là những người ở tuổi về già mà không có lương hưu. Hoặc ít nhiều trợ cấp không đủ sống mươi lăm ngày và hơn thế. Dẫu rằng pháp luật có lời bênh vực “người già được quyền nghỉ ngơi, được quyền hưởng thụ, được quyền chăm sóc” nhưng nếu “sổ đỏ” cách đây ít năm đã trót sang tên cho con, thì các cụ chỉ còn là hai bàn tay trắng với tuổi già mà thôi
Dường như cũng đã lường được tình huống này nên người xưa có dạy: “Sống được tuổi về già dù ở thời đại nào cũng phải quan tâm đến các thế hệ nối tiếp. Nhưng chúng ta cũng chỉ nên “nhìn” bằng một mắt - còn một mắt phải dành “nhìn” cho chính bản thân mình.
Đó không phải là vị kỷ. Bởi người già vốn tự trọng và hay tủi thân. Chớ có dại dột vội vàng đem hết của cải, đem cả đất đai nhà cửa giao cho con, cho cháu rồi ngồi đó mà chờ lòng hiếu thảo, cầu mong sự hảo tâm của chúng, thì thôi rồi… cuộc đời sẽ chìm trong nước mắt”.
Hóa ra chuyện con cái ăn ở có hiếu có nghĩa thời nào cũng có, hoặc đối xử tàn nhẫn với cha mẹ già cũng là chuyện có tự ngàn xưa.
Theo Trần Ngọc Lân
PLVN

12 nhận xét:

  1. Đừng bao giờ quên những câu tưởng là đơn giản như :
    Cơm mẹ thì ngon, cơm con thì đắng. Nhà của cha mẹ là nhà của con, nhưng nhà của con không bao giờ là nhà của cha mẹ. Cha mẹ nuôi con bằng trời, bằng bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bên cạnh những câu ca dao khuyên nhủ đạo HIẾU, thì cũng có các câu nhắc nhở , phê phán những người con quên công ơn cha mẹ, thậm chí bất hiếu:
      " Mẹ già hết gạo treo niêu
      Mà anh khăn đỏ khăn điều vắt vai "
      " Sống thì con chẳng cho ăn
      Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi !"
      Nói chung không thể chủ quan ngay trong gia đình,dẫu già cả vẫn cần chủ động lo liệu cuộc sống chính mình, không bao giờ ỷ lại.

      Xóa
  2. Ngay cả những người con được giáo dục tôt cũng có lúc khiến mình phải buồn anh ạ...Đó là cái gọi là KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ! Thôi, ta cứ vô tư đi khi không vừa ý thì sẽ nhẹ hơn...! Cám ơn bài viết và anh đã nhắc nhở...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn vu song thu. Đúng, luôn ý thức có khoảng cách thế hệ để biết cách ứng xử ngay trong gia đình thì mới có thể "tề gia" , không thể có sự lặp lại y nguyên của thế hệ cũ sang thế hệ mới !

      Xóa
  3. "...Bởi người già vốn tự trọng và hay tủi thân. Chớ có dại dột vội vàng đem hết của cải, đem cả đất đai nhà cửa giao cho con, cho cháu rồi ngồi đó mà chờ lòng hiếu thảo, cầu mong sự hảo tâm của chúng, thì thôi rồi… cuộc đời sẽ chìm trong nước mắt”."
    Đúng quá anh ạ.Người châu Âu đã biết sống cho bản thân nhiều hơn, sớm hơn người châu Á , vì họ đi vào đời sống văn minh trước chúng ta.Họ tự lo cho mình lúc có sức khỏe, ít trông cậy vào con cháu, và họ luôn luôn có ý thức "để dành" cho mình lúc tuổi già, chẳng như chúng ta, suốt đời hy sinh cho con cái, rồi cuối đời , trông mong chúng nó chăm sóc mình, khi chúng không đáp ứng được mình, sinh ra buồn tủi và giận dữ, mâu thuẫn gia đình phát sinh là vì thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Namcua ghé thăm. Tuổi có cao, người có già nhưng cái đầu thì vẫn phải làm việc. Cái đầu mà ngừng nghỉ thì chẳng còn gì để nói nữa ! May mắn trời cho cái đầu vẫn gọi là tốt: này nhé vẫn nhận biết lề trái, lề phải; nhận ra cái hay cái dở; vẫn gìn giữ truyền thống nhưng không xa rời biệt lập với thời đại mới (vào internet là một chứng tỏ)... trong gia đình không đến nỗi xung đột hay chia cách, và bản thân không đến mức ỷ lại trông chờ con cháu, ngược lại con cháu cũng không quên ông bà bố mẹ... nhưng tôi muốn nói các v/đ xã hội nêu trên luôn cần cập nhật,có khi khẩn thiết kẻo e có lúc bất ngờ mà chuyển đổi không kịp.

      Xóa
  4. CÁC Ý KIẾN TRÊN EM THẤY ĐỀU CHÍNH XÁC, NÊN KHI EM VỀ HƯU, LÚC ĐÓ CÓ CHẾ ĐỘ LẤY MỘT CỤC, BỐ CHÚNG XUI EM LẤY VỀ ĐỂ BUÔN BÁN, EM KHÔNG NGHE. SAO MÀ MAY THẾ, LÚC ĐÓ EM MÀ NGHE THÌ CHẮC CHẮN BÂY GIỜ EM CHẾT ĐÓI THẬT. VÌ EM ĐÃ THỀ VỚI CÁC CON :" DÙ MAI MẸ CHẾT ĐỐI THÌ HÔM NAY MẸ CŨNG KHÔNG NGỬA TAY XIN CÁC CON DÙ CHỈ 1 XU HAY 1 HỘT GẠO." SAO MAY CHO SỰ SÁNG SUỐT CỦA EM LÚC ĐÓ THẾ ! CHÀO THẦY !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Luu Tuan Nga. Chúc cho luôn giữ được sáng suốt và cuộc sống an lành, ổn định. Chúc sức khoẻ.

      Xóa
  5. Bài của anh là một sự nhắc nhơrất cần thiết. May mắn là tôi đã làm đúng như vậy. Tuy không được như người khác là để lại được nhà cửa tiền bạc cho các con. Nhưng cũng thấy mình đã làm tròn trách nhiệm với chúng trong khả năng của mình và từ nay thì mình có thể yên tâm sống cuộc đời còn lại chỉ vì mình và cho mình thôi. Phương châm của tôi là “ Không có gì quý hơn Độc Lập tự do”. Tôi sẽ sống một mình chừng nào vẫn còn tự phục vụ được. Lương Hưu đủ chi tiêu, hàng tuần tổ chức ăn tươi cho các con cũng không cần chúng đóng góp. Tôi thấy cuộc sống thật vui vẻ, bình yên. Không bao giờ phải tranh luận với con cái, sẽ có nhiều bất đồng, không vui vì bây giờ có nhiều quan điểm mà người trẻ và người già rất khác nhau. Còn sống với các bạn trên Blog thì rất vui và thoải mái.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta tạo được cuộc sống mình vẫn chủ động , bình yên và có thêm bạn lúc tuổi cao như thế là hay lắm rồi, nhất là được vui vẻ không bị stress là tốt. Thực tế trong các bạn chúng ta cũng có vài trường hợp (bên internat Moskva) con chưa tốt, chưa như ý, còn khá vất vả chưa dễ dàng gì ổn định.

      Xóa
  6. Câu nói của Bác " Không gì quý hơn Độc lập Tự do"luôn đúng trong mọi trường hợp.Tôi cũng đồng ý là chừng nào còn tự phục vụ được không nên phụ thuộc con cái,hãy hết lòng vì con cái ,nước mắt chảy xuôi mà.
    Hôm qua chúng em đã đến nhà cô Quế,em cũng đã có blog mới mời anh đến chơi:
    Rosedoan2244.blogspot.com

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc mừng Rosedoan2244. Tôi đã vui vẻ thăm ngôi nhà mới của chủ nhân. Cảm ơn và mong ngôi nhà luôn vui vẻ tấp nập đón nhiều bạn bè thân thiét, ngày một khang trang đẹp đẽ.

      Xóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]