29 tháng 1, 2013

TÚ XƯƠNG LÀM THỊT CẦY BÁT MÓN

* ĐĂNG LẠI BÀI ĐÃ ĐĂNG Ở YAHOO! BLOG , FIOHANTB - 2010
TÚ XƯƠNG LÀM THỊT CẦY 8 MÓN
**

Bài in TẶNG HỘI CẦU NGÀ ( Thư dãn )
11:29 18 thg 1 2010Công khai0 Lượt xem 2
* Trước hết xin được thứ lỗi.Tôi có được đọc các blog của các cụ thi thoảng lại vui nói tới Hội Cầu Ngà. Tôi thì không hay RTC nhưng vui chuyện thì lại thích, và đôi khi lại cứ thích tìm đọc bài các cụ kể các chuyện " Cầu Ngà ".
* Tiền Phong online bỗng có một bài ( 17 / 01 / 2010 ) rất văn nghệ , nói về "Thịt cầy bát tiên ", về Tú Xương trổ tài và cùng Chu Mạnh Trinh vào bàn tiệc. Bài viết của tác giả Lê Hoài Nam , đăng trên TPonline, tôi bỗng thấy muốn tặng các cụ HỘI CẦU NGÀ bài viết này (biết rằng là đăng lại mà thôi) , nhưng có thể TPonline đã sang trang khác, có khi có cụ chưa hề biết có bài đó; tôi tin rằng đọc bài đó thì khi có dịp tới Hội Cầu Ngà gặp mặt có thể thêm đề tài văn học , có " bát tiên " tham gia. Nếu có đạt được như vậy thì đó cũng là một điều vui , đem đến cho nhau những câu chuyện thú vị. Chúc các cụ Vui nhiều.
*








Tú Xương làm thịt cầy bát món
TP - Thi sĩ họ Chu không thể kìm hãm sự thèm muốn được nữa, ông thò đũa gắp lên một miếng thưởng thức, rồi khen lấy khen để.

...Cho hay công nợ âu là thế.

Mà vẫn phong lưu suốt cả đời.

Tiền bạc phó cho con mụ kiếm...

Trong bài thơ Tự cười mình, Tú Xương đã “tự thú” về mình như thế. Con mụ ở đây là người vợ tảo tần của Tú Xương. Ông bà Tú sinh hạ được 5 người con.
Trước một bà vợ đảm lược, tự nguyện gánh cái trọng trách “nhạc trưởng” trong cái dàn - nhạc- gia - đình ở phố Hàng Nâu ấy, bà còn nâng giấc chăm sóc ông Tú với tấm tình chan chứa đức hy sinh nên đôi khi ông có cảm giác mình như một đứa con ngoại biệt của bà. Chẳng thế mà khi bà hãy còn đang sống sờ sờ mà ông đã viết hẳn một bài thơ dài “tế sống” bà.
Có điều, ông Tú trào lộng tự chê bai mình như thế, chứ trong đời sống thực,  ông không phải hạng quá ư vụng về! Trái lại, khi cần trổ tài làm món ẩm thực, ông đâu có kém cạnh ai?
Chẳng hạn như tài chế biến món thịt chó của ông, có ngon đến mức “tuyệt cú mèo” hay không chưa cần bàn, nhưng cái phong vị văn hóa của nó thì có dư có thừa.
Một lần tiến sĩ - thi sĩ Chu Mạnh Trinh, quan Án sát tỉnh Hưng Yên ghé sang Nam Định thăm ông bạn là Cử Cẩm. Cử Cẩm có tên thật là Nguyễn Kỳ Nam, nhà ở phố Khách (phố Hoàng Văn Thụ bây giờ).
Từ phố Khách sang phố Hàng Nâu của Tú Xương chỉ đi qua một hai con phố ngắn. Cử Cẩm là chỗ thân quen, hay ngao du thơ phú với Tú Xương. Hôm Chu Mạnh Trinh đến, Cử Cẩm cho người tìm Tú Xương đến nhà với nhã ý muốn giới thiệu Tú Xương với ông quan Án sát - nhà thơ có bằng cấp tiến sĩ, đồng thời Cử Cẩm còn muốn nhờ Tú Xương làm thịt con chó đãi bạn. Cử Cẩm biết, làm món gì không thạo chứ món thịt chó thì Tú Xương rất có “năng khiếu”.
Tú Xương và Chu Mạnh Trinh dù khác nhau về phẩm hàm trong xã hội, nhưng thơ phú và danh tiếng của nhau thì họ cũng đã tường, cho dù chưa một lần diện kiến. Vì thế, gặp nhau là họ chuyện trò giao cảm được ngay.
Sau mấy câu chuyện ban đầu, Tú Xương tạm cáo lỗi tiến sĩ - thi sĩ họ Chu; xuống bếp giúp Cử Cẩm làm món thịt chó. Tú Xương xắn tay làm rất hăng hái. Sắp một mâm thịnh soạn, Tú Xương bảo người giúp việc bưng lên đặt giữa sập gụ mời khách.
Khi Cử Cẩm, Chu Mạnh Trinh và Tú Xương đã ngồi lên sập quanh mâm cỗ, sau mấy lời mào đầu trịnh trọng của Cử Cẩm, Tú Xương mới có lời thưa gửi với tiến sĩ - thi sĩ họ Chu:
- Chẳng mấy khi quan bác quá bộ sang thăm đất Vị Xuyên, được sự ủy thác của bác Cử đây, đệ xin được làm bữa tiệc Bát tiên hội pháp tiếp quan bác.
Chu Mạnh Trinh còn chưa kịp hiểu cái món Bát tiên hội pháp bao hàm nghĩa lý gì, Tú Xương đã chỉ tay về phía bát tiết canh:
- Món này, đệ xin đặt tên là Hồng Hạnh tiên cô.
Tú Xương chỉ tiếp sang món thịt chó luộc, nói:
- Còn đây là món Nguyên thủy Thiên tôn.
Tú Xương chỉ tay sang món dồi:
- Món này: Đoạn tràng hội chủ.
Rồi lại chỉ về phía cái bát rất to đựng đầy nước xáo:
- Còn đây, đích thị  món Nam Hải Long Vương.
Lúc này Chu Mạnh Trinh mới vỡ nhẽ: thì ra Tú Xương mượn tên các nhân vật, các vị tiên trong những truyện thần thoại và tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng của Trung Hoa để đặt tên cho từng món, mà xem ra rất hợp lý.
Chu Mạnh Trinh gật gù tỏ ra rất khoái trá. Được ông quan Án sát khích lệ, Tú Xương càng thêm hứng khởi, chỉ tay vào món chả nướng, giới thiệu có vẻ “văn chương” hơn:
- Món này: Na Tra thái tử trong truyện Phong thần...
Chỉ tay vào món tái:
- Món này: Mạnh Lệ Quân trong Tái sanh duyên...
Chỉ tay sang món nhựa mận thơm lừng những riềng mẻ cùng với mắm tôm:
- Món này: Thác tháp Thiên vương lý tình!
Chu Mạnh Trinh cười ngất lên, nói:
- Bác giải nghĩa kỹ thêm nghe nào?
Tú Xương nói:
- Thì chữ còn nghĩa nữa là chữ mận, quan bác không thấy sao?
Chu Mạnh Trinh gật gật đầu thụ lý. Nhưng còn món cuối cùng, hấp dẫn nhất, quan Án sát muốn biết ngay, thì Tú Xương bảo:
- Đây là món mà đệ đã trổ hết khả năng và kinh nghiệm nấu nướng, để lát nữa quan bác nhắm và cho nhời bình phẩm. Nó là món nầm chó ướp với tam thần liệu, tức là riềng, mẻ, mắm tôm. Riềng thì không được dùng củ như nấu nhựa mận mà chỉ lấy lá.
Thịt nầm sau khi ướp với mẻ, mắm tôm thì dùng lá riềng gói kín như một cái bọc, cho vào nồi đất, đậy vung, lấy đất thịt ướt nặn cho dẻo trát bên ngoài, dùng trấu đốt. Đốt cho đến khi nào tỏa ra mùi thơm cuốn hút khiến ta thèm rỏ dãi là được. Món này có tên là Thái thượng luyện đan đấy, thưa quan bác!
Nghe lời giới thiệu như thế, tiến sĩ - thi sĩ họ Chu không thể kìm hãm sự thèm muốn được nữa, ông thò đũa gắp lên một miếng thưởng thức, rồi khen lấy khen để.
Sau đó thì Cử Cẩm cùng với tiến sĩ - thi sĩ họ Chu gắp thử khắp các món, và món nào hai quan bác cũng khen rằng ngon thật là ngon. Không nghi ngờ gì nữa, rõ ràng ông Tú Vị Xuyên rất có năng khiếu về ẩm thực. Họ khen vậy. Cuộc vui cứ thế mà thăng hoa.
Khi rượu và thịt chó làm họ ngà ngà, Chu Mạnh Trinh nói:
- Xưa nay tôi chỉ mới biết đến thơ của bác Tú Vị Xuyên. Tài thơ của bác quả thật là bậc nhất thiên hạ. Hôm nay tôi về đây không ngờ còn biết thêm cái tài chế tác món ẩm thực của bác; mỗi món bác lại đặt cho một cái tên chứa tích truyện rất tài tình, khiến chúng tôi ăn ngon hơn cái vị ngon thực của từng món. Chỉ tiếc rằng con đường khoa cử của bác nó còn lận đận quá...
Chu Mạnh Trinh nói thế là thực bụng, nhưng trong cái giọng nói ấy vẫn có cái hơi hướng kẻ cả, trịch thượng, kỳ thị của kẻ sính bằng cấp, phẩm trật. Tú Xương cười rất hóm, thưa lại:
- Quan bác dạy chí phải. Thưa các quan bác, bác Án đây (chỉ Chu Mạnh Trinh) thì tiến vi sư, bác Cử đây (chỉ Cử Cẩm) thì đạt vi sư, còn đệ đây chỉ ở hạng hữu dư vi đồ tể thôi đấy ạ!
Nghe Tú Xương nói đến đó, Chu Mạnh Trinh mới giật mình ngộ ra một điều rằng, không thể nói năng vô tình mà lỡ để ý tứ khinh xuất con người chỉ có cái bằng tú tài này được, bởi ông quan án đã nhận ra, Tú Xương đã mỉa mai mình bằng lối chơi chữ rất thâm thúy: hữu vi đồ tể nghĩa là có tôi làm nghề đồ tể, nhưng còn  một nghĩa khác, nếu chữ viết theo mẫu tự khác thì lại hàm nghĩa có tài hơn mà phải làm đồ tể.
Có thể cảm nhận trong món đòn chữ nghĩa này của ông Tú: dù có thi đỗ làm quan đã vị tất tài năng hơn ai, có khi chỉ là sự may rủi mà thôi...

Tài liệu tham khảo:
- Tú Xương giai thoại, do các ông Nguyễn Văn Huyền, Đỗ Huy Vinh, Mai Anh Tuấn sưu tầm, biên soạn, Hội VHNT Hà Nam Ninh xuất bản, 1988.
- Trông dòng sông Vị của Trần Thanh Mại.
Cổ Nhuế - Hà Nội, mùa đông 2009                                          
          Lê Hoài Nam
Bottom of Form
Cụ sưu tầm được bài hay quá, tôi không có tài thưởng thức bát tiên, nhưng được đọc về cách chơi chữ thâm thúy của cụ Tú Xương thì rất lấy làm thú vị, dù không hiểu hết chữ nghĩa của cụ Tú. Xin cảm ơn cụ fiohantb rất nhiều.
Trả lời nhận xét này
Cảm ơn Internat. Thơ và cả văn ngày nay không dễ vào,nhiều khi bắt gặp cả trang thơ mà vẫn thờ ơ. Nhưng thi thoảng tìm thấy được những bài viết như bài trên, dẫu các cụ Tú Xương, Chu Mạnh Trinh đã ở cõi vĩnh hằng , vẫn thấy gần đâu đây.Chuyện RTC không dễ nói toạc tầm phào, mà có chút văn chương thì  thêm thăng hoa. Có phải vậy không, các cụ nhỉ ?
Tôi đã được hội Cầu Ngà cho ăn theo mấy lần, ở Cầu Ngà nấu thịt chó quả là có ngon hơn các nơi khác, nhưng không hiểu có ngon được bằng cụ Tú Xương nấu không thì chịu! Hầu như tôi đã được xơi thất món còn món thứ bát tôi chưa hề được thưởng thức!
Cảm ơn cụ đã tặng chúng tôi bài này!
Trả lời nhận xét này
  * CẢM ƠN .

4 nhận xét:

  1. Nhìn mâm thịt chó thèm nhỏ dãi mà không xuất ra được một câu thơ nào cho xứng !
    Không dùng được VỊ GIÁC thì dùng THỊ GIÁC cũng đỡ lắm !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quán ăn tám món "Cờ Tây"
      Đệm chen "quốc lủi" ngất ngây con người.
      Được thêm bà xã tốt tươi,
      Sống mà có vậy, cuộc đời còn say !

      Xóa
  2. Cụ đã có vậy đấy thôi
    Ắt là say mãi cuộc đời đến trăm ! (trăm năm)

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn cụ. Chỉ mong được như vậy và đến tuổi chín mươi là phúc đức nhiều ,còn tuổi trăm e khó lắm và liệu có còn biết , nhớ những gì nữa không?

    Trả lờiXóa

* BẠN CÓ THỂ DÙNG CÁC THẺ SAU ĐỂ ĐƯA VÀO COM:
- Ảnh : [img]Link hình ảnh URL[/img]
- Video: [youtube]Link Video[/youtube]
- Nhaccuatui: [nct]Link nhạc[/nct]