27 tháng 9, 2016

Tảng đá 250 tấn nằm thăng bằng trên sườn đồi dốc 45 độ

Tảng đá 250 tấn nằm thăng bằng trên sườn đồi dốc 45 độ

Theo VNexpress

Krishna Butter Ball là tảng đá khổng lồ nằm ở bang Tamil Nadu phía nam Ấn Độ, nổi tiếng bởi tư thế thăng bằng kỳ lạ trên sườn đồi suốt nhiều thế kỷ.

tang-da-250-tan-nam-thang-bang-tren-suon-doi-doc-45-do
Tảng đá nằm thăng bằng trên sườn đồi suốt nhiều thế kỷ. Ảnh: The Indian Times.
Theo The Epoch Times, Krishna Butter Ball (Viên bơ của nữ thần Krishna) tọa lạc ở Mahabalipuram, một thị trấn thuộc quận Kancheepuram của Tamil Nadu. Tảng đá nặng hơn 250 tấn, cao 6 m và có đường kính 5 m, nằm trên sườn đồi dốc 45 độ.
Tuy có kích thước khổng lồ, tảng đá vẫn nằm thăng bằng trên bề mặt tiếp xúc rất nhỏ với sườn đồi. Nó không lăn xuống đồi, cũng không hề nhúc nhích bất chấp mọi nỗ lực dịch chuyển. Vào thế kỷ 7 trước Công nguyên, một vị vua thuộc triều Pallava ở Ấn Độ trở thành người đầu tiên tìm cách dịch chuyển tảng đá nhằm tránh cho nó khỏi rơi vào tay các thợ chạm khắc nhưng không thành công.
tang-da-250-tan-nam-thang-bang-tren-suon-doi-doc-45-do-1
Tảng đá khổng lồ không nhúc nhích bất chấp mọi nỗ lực dịch chuyển. Ảnh:Wikimedia.
Năm 1908, Arthur Lawley, thống đốc bang Madras, có ý định dịch chuyển tảng đá khỏi sườn đồi vì lo ngại nó có thể lăn xuống bất kỳ lúc nào và phá hủy thị trấn dưới chân đồi. Bảy con voi được sử dụng để tiến hành việc di chuyển, nhưng tảng đá không xê dịch dù chỉ một chút. Mối lo ngại của vị thống đốc được chứng minh là không có cơ sở và thị trấn bên dưới vẫn an toàn. Nhưng cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải điều gì khiến tảng đá ở nguyên tư thế thăng bằng như vậy.
Krishna’s Butter Ball được những người dân địa phương gọi là Vaan Irai Kal, tức "Đá của chúa trời". Họ tin rằng các vị thần đã đặt tảng đá ở Mahabalipuram để thể hiện sức mạnh trước các cư dân trong thị trấn. Theo truyền thuyết Ấn Độ, nữ thần Krishna hồi nhỏ rất thích ăn bơ và thường bốc bơ ở hũ của mẹ. Do tảng đá ở Mahabalipuram có hình dáng giống một giọt bơ mà nữ thần làm rớt xuống mặt đất, nó được mệnh danh là "Viên bơ của nữ thần Krishna".
Phương Hoa


* TheoNews:

Kỳ lạ tảng đá nặng 250 tấn không thể di chuyển ở Ấn Độ!

Nguyễn Hằng | 
Kỳ lạ tảng đá nặng 250 tấn không thể di chuyển ở Ấn Độ!
Tảng đá Krishna's Butter Ball nặng tới 250 tấn ở Ấn Độ.

Một tảng đá có tên là Krishna's Butter Ball nặng tới 250 tấn ở Ấn Độ, nằm nghiêng chênh vênh ở sườn dốc mà chẳng đổ, bất chấp mọi định luật vật lý.



Trong hơn 1.300 năm, tảng đá Krishna’s Butter Ball nằm yên tại Mahabalipuram, một thị trấn gần bãi biển Chennai, miền Nam Ấn Độ.
Tảng đá kì lạ bất chấp các lực hút mạnh từ Trái Đất này cao khoảng 6 mét và có đường kính 5 mét, nặng khoảng hơn 250 tấn.
Điều kỳ lạ của tảng đá bí ẩn này là nó nằm nghiêng một góc 45 độ trên đồi cao mà không hề bị lăn xuống đất.

Krishna’s Butterball, tảng đá khổng lồ với tư thế thăng bằng có một không hai.
Krishna’s Butterball, tảng đá khổng lồ với tư thế thăng bằng có một không hai.
Diện tích tiếp đất của nó rất nhỏ nhưng không hề bị xê dịch dù chỉ 1 inch. Nhiều người đàn ông và thậm chí cả những con voi đã cố gắng di chuyển tảng đá từ vị trí bấp bênh của nó, nhưng mọi nỗ lực cho đến nay đều thất bại.
Những người dân địa phương gọi nó là 'Vaaniral Kal' (viên bơ của thần Krishna). Tên gọi này dựa trên tích cổ về vị thần Krishna của đạo Hindu rất thích ăn bơ.
Họ cho rằng, đây là miếng bơ mà vị thần này đánh rơi xuống trần gian. Nhưng tảng đá này được nhiều người biết đến với cái tên là 'Krishna Butter Ball' hơn.

Tảng đá vẫn hiên ngang trên sườn dốc, bất chấp xói mòn đất, bão lốc.
Tảng đá vẫn hiên ngang trên sườn dốc, bất chấp xói mòn đất, bão lốc.
Mặc dù có kích thước và trọng lượng khổng lồ nhưng “Viên bơ của Krishna” vẫn neo tựa rất chắc chắn ở thị trấn Mahabalipuram xinh đẹp .
Có vẻ như tảng đá có thể trượt bất cứ lúc nào và rơi nhanh xuống đồi, nhưng nó đã ở đó cách đây cả chục thế kỷ rồi.
Tảng đá này từ đâu ra?
Trong khi lý do thực sự đằng sau sự tồn tại của tảng đá “dị” này vẫn còn là một bí ẩn. Một số giả thuyết từ khoa học đến niềm tin tôn giáo được hình thành.
Tảng đá kì lạ này khiến các nhà địa chất học phải “đau đầu”. Giả thuyết cho rằng tảng đá được hình thành là do sự biến đổi của tự nhiên.
Nhưng các nhà địa chất học cho biết, điều đó là không thể vì sự ăn mòn tự nhiên không thể tạo ra một hình dạng khác thường như vậy.
Một mặt của tảng đá là bị xén phẳng hoàn toàn, làm cho nó trông giống như một bán cầu thô.
Có giả thuyết thật lạ lùng và mang đậm màu sắc tâm linh cho rằng tảng đá có thể đã được đặt ở đó do một vị thần ở trên trời muốn chứng minh sức mạnh của mình, hoặc người ngoài hành tinh đã ghé thăm Trái Đất từ hàng nghìn năm trước.
"Ôi thần linh ơi! Nó không đổ"
Một trong những nỗ lực đầu tiên trong việc dịch chuyển tảng đá này là của vua Narasimhavarman, một vị vua Pallava cai trị miền nam Ấn Độ vào khoảng năm 630-668.

Tên Krishna’s Butterball xuất phát từ một tích cổ trong thần thoại của đạo Hindu.
Tên Krishna’s Butterball xuất phát từ một tích cổ trong thần thoại của đạo Hindu.
Ông vua này dường như muốn trao nó vào bàn tay của những nhà điêu khắc. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực của những người đàn ông to khỏe, tảng đá “thách thức trọng lực “ này vẫn lì lợm, không hề dịch chuyển.
Gần đây hơn, vào năm 1908, Thống đốc Madras Arthur Lawley quyết định rằng ông di rời tảng đá, vì sợ rằng nó sẽ trượt xuống đồi và tàn phá thị trấn cổ Mahabalipuram.
Ông cho bảy con voi thực hiện nhiệm vụ “bất khả thi” này, nhưng “Ôi thần linh ơi!”, tảng đá vẫn không nhúc nhích 1 tí nào.
Tảng đá được cho là đã lấy cảm hứng từ Raja Raja Chola, một vị vua nổi tiếng của miền Nam Ấn Độ trị vì vào khoảng năm 985-1014, dẫn đến việc tạo ra các 'Tanjavur Bommai'.
Đây là tên một loại đồ chơi truyền thống của Ấn Độ làm bằng đất nung.
Giống như tảng đá kì dị này, nó không bao giờ rơi xuống, ngay cả khi nghiêng hoặc bị xáo trộn, luôn luôn trở về vị trí thẳng đứng ban đầu của nó.
Điểm du lịch có một không hai

Tẳng đá kỳ lạ trở thành địa điểm hút khách du lịch.
Tẳng đá kỳ lạ trở thành địa điểm hút khách du lịch.
“Viên bơ của thần Krishna” là một điểm du lịch rất nổi tiếng ở Ấn Độ, thu hút hàng ngàn mỗi năm. Khách du lịch tới nơi đây đều cố di chuyển tảng đá nhưng họ đều phải nếm mùi thất bại.
Tuy nhiên, một điều tuyệt vời là họ đều có được những bức ảnh tuyệt đẹp với tảng đá đẹp mê hồn và đầy bí ẩn này.
Nguồn: Odditycentral

23 tháng 9, 2016

Vượt vạn dặm rừng tìm cây thuốc


Vượt vạn dặm rừng tìm cây thuốc

(HNM) - Rong ruổi khắp các địa phương hàng chục năm, in dấu chân trên hầu hết các cánh rừng trong nước, thậm chí vượt ra khỏi biên giới để đưa cây dược liệu về bảo tồn, làm thuốc chữa bệnh cho người dân. Chỉ có đam mê cháy bỏng với cây dược liệu mới giúp ông Thân Văn Sách, thôn Bình Minh, xã Minh Đức, huyện Việt Yên (Bắc Giang) làm được điều đó. 

Vì bệnh mà… bén duyên với cây thuốc

Men theo con đường đất uốn lượn qua các thửa ruộng thơm mùi cỏ cây, chúng tôi cảm nhận đã đặt chân đến “vương quốc” của cây dược liệu. Hiện ra trước mắt chúng tôi là ngút ngàn các loại cây kim tiền thảo, hương nhu, sả... tỏa hương khắp cánh đồng. Lần theo đó, chúng tôi tìm đến nhà ông Thân Văn Sách, người đầu tiên đưa cây dược liệu về đồng đất này.


Ông Thân Văn Sách giới thiệu cây thuốc chữa bệnh rụng tóc.

Khuôn mặt rám nắng, dáng người nhỏ nhưng săn chắc, giọng nói điềm tĩnh, ánh mắt toát lên vẻ tự tin - ông Sách đã đem lại cho chúng tôi cảm giác thật gần gũi ngay lần đầu tiếp xúc. “Nói đến cây dược liệu thì phải mắt thấy, tai nghe mới hiểu hết cái đẹp và công dụng của nó”, ông Sách hồ hởi kéo chúng tôi ra khỏi bàn trà. Chỉ tay vào một loại cây lá xanh thẫm to bằng bàn tay, ông giới thiệu: “Đây là loại lá trị bệnh xương khớp, khi bị gãy xương, chỉ đắp lá vào sẽ tự liền. Loại cây này tôi lấy từ rừng sâu về”. Bước chân ra ven bờ ao, ông chui tọt vào lùm cây, hái ra một loại lá mềm, dài rồi khoe: “Loại này rất hiếm, ưa trồng ở đất ẩm ướt, rất tốt cho người rụng, hói tóc. Tôi đang cố gắng gây tạo giống”. Cứ mỗi bước chân theo ông lại là hàng loạt tên các loại cây với đầy đủ công dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian chiết xuất đạt tinh chất tốt nhất… khiến chúng tôi hình dung trước mắt không phải là người nông dân chất phác mà là một nhà khoa học thực thụ với sự hiểu biết sâu sắc về các loại cây dược liệu.

Cơ duyên khiến ông Sách gắn bó với cây dược liệu thật bất ngờ. Ông vốn xuất thân từ gia đình nghèo có 7 anh chị em. Lập gia đình từ rất trẻ, 5 đứa con lần lượt ra đời trong sự khốn khó. Năm 1974, ông lặn lội lên Thái Nguyên làm công nhân gang thép. Lao động quá sức, ông bị thoái hóa cột sống trầm trọng. Cuộc sống của ông lúc này lấy bệnh viện làm nhà. Thương em hoàn cảnh khốn khó, anh rể ông ở Cao Lộc (Lạng Sơn) cất công tìm mua thang thuốc của bà con dân tộc về chữa trị cho em. Ba thang thuốc này như “một phép màu kỳ diệu” giúp ông khỏe mạnh trở lại.

Nhiều người trong làng bị đau cột sống biết tin cũng nhờ lấy hộ. Thấy ai dùng đều hữu hiệu, ông cất công đem loại thuốc này lên nhờ các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phân tích giúp công dụng và hành trình đi tìm cây dược liệu của ông Sách cũng mở ra từ đó.

Dấu chân trải vạn dặm rừng sâu

Vậy là hằng ngày cứ chiếc xe máy cà tàng, ông rong ruổi đi tìm cây dược liệu khắp các cánh rừng. Đến nơi nào, ông lân la tìm đến người chuyên vào rừng lấy cây thuốc, hỏi mua thuốc của họ, tìm hiểu công dụng, rồi cùng theo chân vào rừng sâu kiếm thuốc. Ông sống cả tuần, cả tháng ở các bản làng xa xôi. Thuốc mang về, ông lại chạy xe đến Viện Dược liệu Việt Nam nhờ phân tích, đánh giá. Ông được Viện “đặt hàng” đủ các loại cây dược liệu. Khi thì cây bồ bồ, lúc lại nấm tỏi dương, khi thì bó lá khô, lúc lại lủng lẳng cả bọc cây tươi đem về làm giống. Cứ trong viện có nhu cầu loại cây gì, ông lại tìm mang về bằng được loại đó. Không chỉ các cán bộ ở Viện Dược liệu Việt Nam, ông còn “bắt mối” với hầu hết các nhà nghiên cứu dược liệu ở khắp các trường đại học, viện nghiên cứu. Nhắc đến ai, nghiên cứu đề tài loại cây con gì, ông đều thuộc nằm lòng.

Không chỉ dừng ở các rừng trong tỉnh, ông còn chạy xe đến khắp các cánh rừng sâu Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, hết miền Bắc lại vào miền Trung, Tây Nguyên, thậm chí sang cả Lào để tìm cây thuốc quý hiếm. Có lần vào rừng sâu, vừa lần tìm nấm quý trong gốc cây, ông bị rắn hổ mang nặng hơn 3kg mổ sượt hay những lần bị mắc kẹt, chịu đói, rét vì mưa lũ nhưng khó khăn không ngăn cản được đam mê của ông. “Tôi đam mê với cây thuốc, càng đi mới thấy trong nhân gian vô vàn loại cây thuốc quý hiếm. Nó như sức hút khiến mình không biết mệt mỏi, vất vả là gì”, ông Sách bộc bạch.

Bao năm “nếm mật, nằm gai” ở rừng sâu, ông đã thông thạo từng loại cây thuốc gì ở vùng nào, nơi nào có, ai thu gom. Từ đây, các công ty dược tìm đến ông. Đến nay, ông trở thành “cầu nối” thu gom dược liệu cho hơn 100 doanh nghiệp. Trong đó, có doanh nghiệp lớn như Công ty Sao Thái Dương, Công ty Dược trung ương 5, Công ty Dược Á Châu. Vào mùa thu hoạch nguyên liệu, nhà ông tấp nập chuyến xe từ các nơi chở đến. Mỗi năm, ông thu mua hàng trăm tấn dược liệu. Từ việc thu gom cây thuốc, ông giúp hàng trăm hộ dân ở vùng lân cận xóa đói, giảm nghèo.

Bảo tồn và phát triển cây dược liệu
Sau mỗi chuyến đi, ông nhận thấy rừng ngày càng bị tàn phá nhiều, cây dược liệu càng ngày càng hiếm hoi. “Tại sao mình không trồng thử các loại cây thuốc để bảo tồn?” - ý nghĩ đó đã xuất hiện trong ông. Nghĩ là làm, khi đi rừng về, lúc thì ông mang hạt, khi lại mang cây giống về trồng thử ở vườn nhà. Nhưng suốt 2 năm thử nghiệm, hầu hết các cây dược liệu ông trồng đều không thành công. Không nản, ông vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế từ dân bản vừa đem giống lên tận viện nghiên cứu phân tích rõ loại cây này trồng bằng hạt hay thân, rễ, ưa khí hậu, thổ nhưỡng nào, thời điểm nào xuống giống, khi nào thu hoạch. “Trời không phụ công người”, cứ như vậy, ông đã từng bước chinh phục các loại cây dược liệu, trong đó có nhiều loại quý hiếm.

Từ năm 2005, thấy ông trồng cây dược liệu cho thu hoạch gấp nhiều lần trồng lúa, bà con xung quanh học hỏi, làm theo, ông trở thành người vừa cung cấp cây giống, vừa hướng dẫn kỹ thuật lại bao tiêu sản phẩm. Hiện ông đang trồng khoảng 30ha cây dược liệu ở Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang… Ông Thân Văn Tâm, Trưởng thôn Bình Minh, xã Minh Đức cho biết: "Nhờ có ông Sách đưa cây dược liệu về trồng, nhiều hộ dân trong thôn đã thoát nghèo, có của ăn của để. Hiện nay, hầu như hộ nào trong thôn cũng trồng cây dược liệu cho ông Sách". Ngoài ra, ông Sách còn liên kết với 6, 7 công ty trồng hàng trăm héc ta dược liệu ở 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Gia đình ông còn là “địa chỉ” được các trường đại học nông nghiệp gửi sinh viên đến thực tập.

Tháng 8-2015, ông Thân Văn Sách thành lập HTX Dược liệu Khánh Hoa, từ đó thúc đẩy mở rộng mô hình sản xuất, giúp bà con địa phương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Để sơ chế dược liệu ban đầu trước khi cung cấp cho các công ty dược, ông còn mày mò sáng chế nhiều loại máy như máy cắt, máy ép, hệ thống sấy.

Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng đôi chân dường như chưa biết mệt, ông vẫn năng nổ đi lại nay ở tỉnh này, mai ở tỉnh kia. Điều đáng quý, ông đã truyền hiểu biết về dược liệu cho con trai ông, anh Thân Quang Lô hiện đã học y học Tuệ Tĩnh, mở cửa hàng thuốc đông y, chuyên cắt thuốc, bấm huyệt chữa bệnh cho bà con xa gần.

Bao năm gìn giữ, bảo tồn và phát triển cây dược liệu, ông đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND huyện Việt Yên tặng nhiều Bằng khen.

Chia tay chúng tôi, ông chia sẻ mong ước mở được một nhà máy chiết xuất tinh chất dược liệu ngay trên quê hương mình để giúp bà con nơi đây có thể làm giàu ngay từ cây dược liệu, loại cây đã làm thay đổi cuộc đời ông.
Đỗ Thành Nam - Hồng Hiếu

17 tháng 9, 2016

Nếu có các dấu hiệu này, bạn là người thông minh

Đừng vội chê những người bừa bộn bởi họ có thể là người có trí tuệ vượt bậc.

Các nhà khoa học tại khoa tâm lý, Đại học Marist, Mỹ đã nghiên cứu mối liên quan giữa khả năng sử dụng ngôn ngữ với trí thông minh và thấy rằng những người dùng từ tục, nhất là tự trào về bản thân, có chỉ số IQ cao.
Hai nhà khoa học Satoshi Kanazawa của Trường kinh tế London (Anh) và Norman Li, Đại học quản lý Singapore đã đo lường mức độ giao du xã hội với chỉ số IQ của 15.000 người và thấy rằng những ai thích ở một mình có chỉ số IQ cao hơn.
Một nghiên cứu của Đại học Minnesota cho thấy, bàn làm việc bừa bộn của các thiên tài thực sự có liên quan tới trí thông minh của họ. Họ không dành nhiều thời gian để dọn dẹp quanh mình vì tâm trí ưu tiên thứ quan trọng hơn.
Các nhà tâm lý đã đăng kết quả một nghiên cứu trên trangPsychologytoday khẳng định có mối liên hệ giữa việc thức khuya với chỉ số IQ cao. Tổng thống Mỹ Obama, nhà bác học Charles Darwin, nguyên thủ tướng Anh Winston Churchill, ca sĩ lừng danh Keith Richards và Elvis Presley đều nổi tiếng là hay hoạt động về đêm.
Nghiên cứu năm 2013 của Arjan Schroder và các cộng sự tại Đại học Amsterdam, xác định những người khó chịu khi nghe tiếng nhai có khả năng sáng tạo và trí thông minh cao. Những người nổi tiếng như nhà bác học Charles Darwin, nhà viết kịch Nga Anton Chekhov, nhà văn Pháp Marcel Proust đều rất nhạy cảm với âm thanh này.
Một nghiên cứu với hơn 700.000 người lớn của viện tâm lý thần kinh, Đại học King London (Anh) cho thấy những người có thành tích học tập cao nhất thì có mức độ rối loạn lưỡng cực (thay đổi tâm trạng liên tục từ hưng cảm tới trầm cảm) cao gấp 4 lần những người có điểm trung bình.
Gary Lupyan, nhà tâm lý tại Đại học Wisconsin-Madison cùng cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu, công bố năm 2012, chứng minh rằng những người hay tự nói với chính mình không hề điên như mọi người vẫn tưởng mà thực sự có tài năng.
Theo VnExpress

14 tháng 9, 2016

Chiêm ngưỡng ngôi đình cổ gần 300 trăm tuổi xây dựng 36 năm mới hoàn thành

Chiêm ngưỡng ngôi đình cổ gần 300 trăm tuổi xây dựng 36 năm mới hoàn thành

Dân trí Đình Bảng, tên Nôm là đình Báng là một ngôi đình nằm ở làng Đình Bảng (xưa là làng Cổ Pháp hay tên Nôm là làng Báng), thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đình được xây dựng năm 1700 thời Hậu Lê kéo dài ba mươi sáu năm đến năm 1736 mới hoàn thành, Đình Bảng là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Đình Đình Bảng nhìn từ xa
Đình Đình Bảng nhìn từ xa
Đình được nhiều cây cổ thụ bao phủ xung quanh
Đình được nhiều cây cổ thụ bao phủ xung quanh
Đình thờ các vị thành hoàng gồm Cao Sơn đại vương (thần Núi), Thủy Bá đại vương (thần Nước) và Bách Lệ đại vương (thần Đất) đồng thời thờ sáu vị có công lập lại làng vào thế kỷ 15 .
Người hưng công là quan Nguyễn Thạc Lương, người Đình Bảng (từng làm trấn thủ Thanh Hóa) và vợ là Nguyễn Thị Nguyên, quê ở Thanh Hóa. Ông bà đã mua gỗ lim, một loại gỗ quý và bền đem về cúng để dựng ngôi đình.
Đình Bảng gồm tòa đại đình đồ sộ nối với hậu cung phía sau theo dạng mặt bằng hình chuôi vồ, còn gọi theo dạng chữ Nho là kiểu "chữ đinh". Toà đại đình dài 20 m, rộng 14 m, cao 8 m, phần mái rủ xuống đẹp đẽ chiếm tới 5,5 m tổng chiều cao.
Vẻ độc đáo của ngôi đình thể hiện ở không gian mái đình tỏa rộng, nét đồ sộ của những đầu đao, quy thức thích nghi với khí hậu gió mùa, và trang trí điêu khắc dày đặc.
Sàn đình cách mặt nền 70cm
Sàn đình cách mặt nền 70cm
Kiến trúc độc đáo
Kiến trúc độc đáo
Đình Bảng có kết cấu hệ kèo chồng rường, gồm bảy gian hai chái (gian phụ). Đình được dựng trên nền cao có thềm bó bằng đá xanh. Đặc biệt, đình mang kiến trúc nhà sàn với sàn gỗ bề thế cao 0,7 m so với mặt nền, sáu hàng cột ngang và mười hàng cột dọc bằng gỗ lim có đường kính từ 0,55m (với cột con) đến 0,65m (với cột mẹ) được kê trên các tảng đá xanh, giúp công trình thêm vững chắc.
Nóc đình cao tới 8 mét với tỷ lệ mặt đứng của phần mái lớn hơn phần thân (mái chiếm hai phần ba chiều cao của đình) tạo nên cảm giác bề thế. Đình lợp ngói mũi hài và có các đầu đao vươn xa nhất trong các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền tại Việt Nam. Đình có cửa bức bàn bao quanh.
Nội thất Đình được trang trí với rất nhiều chủ đề như rồng, phượng, tùng, mai, trúc, bầu rượu, thanh gươm. Đặc biệt, hình tượng rồng chiếm một tỷ lệ lớn với số lượng khoảng 500 hình. Gian chính điện (gian giữa) có sàn thấp, lát gạch lá nem. Gian này thấp nhất, thuật ngữ là "lòng thuyền". Sàn ván các gian hai bên cao dần, tổng cộng là hai cấp, phân biệt địa vị của các hương chức khi họp việc làng để người ngồi "chiếu trên", kẻ ngồi "chiếu dưới" tùy theo vai vế trong làng.
Bức chạm bát mã lạc quần
Bức chạm "bát mã lạc quần"
Bức cửa võng lớn ở chính điện
Bức cửa võng lớn ở chính điện
Bức cửa võng và tấm trần che của gian chính điện được chạm trổ công phu. Trên ván nong, phía dưới bao lơn của hàng cột cái và cột con có một bức chạm hình "Bát mã quần phi" (Bầy ngựa tám con đang phi) với các đáng điệu rất sống động. Trong đình có nhiều bức hoành phi , câu đối được sơn son thếp vàng. Đình được bao phủ bởi rất nhiều cây cổ thụ xung quanh, điều đó càng tôn thêm vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình.
Đình Bảng được Bộ văn hóa công nhận Di tích lịch sử -Văn Hóa năm 1989, là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất còn tồn tại đến ngày hôm nay.
Chiêm ngưỡng ngôi đình cổ gần 300 trăm tuổi xây dựng 36 năm mới hoàn thành:
Bá Đoàn


LÁ DIÊU BÔNG - Thơ Hoàng Cầm

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng 

Chị thẩn thơ đi tìm 
Đồng chiều 
Cuống rạ 

Chị bảo 
Đứa nào tìm được lá diêu bông 
Từ nay ta gọi là chồng 

Hai ngày em tìm thấy lá 
Chị chau mày 
Đâu phải lá diêu bông 

Mùa đông sau em tìm thấy Lá 
Chị lắc đầu 
      trông nắng vãn bên sông 

Ngày cưới chị 
Em tìm thấy lá 
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim 

Chị ba con 
Em tìm thấy lá 
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn 

Từ thuở ấy 
Em cầm chiếc lá 
       đi đầu non cuối bể 
Gió quê vi vút gọi 
Diêu bông hời... 
  ...ới diêu bông...!






10 tháng 9, 2016

Lão ăn mày đã cho vị giám đốc trẻ một bài học nhớ đời

Lão ăn mày đã cho vị giám đốc trẻ một bài học nhớ đời

Chính lời hứa "giả dối" của người ăn mày đã khiến chàng giám đốc trẻ giàu có thức tỉnh và nhận ra những sai lầm của mình.
Một ông chủ trẻ đã thay da đổi thịt, trở thành ông chủ lớn như thế nào?
"Người đàn ông trẻ tuổi nổi danh ấy có tên là Trương Quân. Một ngày, anh gặp người ăn mày trên đường, nhìn bộ dạng của hắn có vẻ thấu hiểu sự đời, khiến anh rất hiếu kỳ về nguyên nhân tại sao người này lại trở thành một tên ăn mày.
Thế là Trương Quân hỏi: "Anh biến thành bộ dạng như vậy là do nghiện rượu, hút thuốc hay đánh bạc sao?"
Không thể ngờ người ăn mày lại trả lời: "Cho tới hiện tại, tôi chưa hút điếu thuốc nào, cũng không uống rượu, hơn nữa lại rất ghét đánh bạc!"
Trương Quân nghe xong cao hứng mà vỗ tay lên đùi rồi nói: "Như vậy là tốt rồi!"
Trương Quân cười cười, đưa 100 nghìn cho người ăn mày rồi nói: "Ngày mai tôi sẽ dẫn vợ qua đây, chỉ cần anh nói với vợ tôi những lời mà anh vừa nói với tôi, ngoại trừ số tiền hôm nay anh nhận được, ngày mai tôi sẽ thưởng gấp đôi."
người ăn mày, giám đốc trẻ, thay da đổi thịt, quản lý chi tiêu, tiền mất tật mang, tiêu xài hoang phí, thói quen xấu
Không thể ngờ được rằng, trước khi biến thành kẻ ăn mày, người đàn ông này chưa từng biết thiếu tiền có mùi vị như thế nào? (Ảnh minh họa)
Nhìn thấy người ăn mày có bộ dạng không hiểu ý mình, Trương Quân liền giải thích: "Chuyện là như thế này, tôi cùng vợ làm kinh doanh, vợ tôi làm chủ tịch, còn tôi thì làm giám đốc, trong nhà tôi có rất nhiều tiền.Từ lâu tôi đã thích uống rượu, một ngày phải uống hơn một bình. Tôi cũng thích hút thuốc, một ngày hút hơn hai bao. Tôi cũng rất thích đánh bạc, tinh thông các loại bài.
Nhưng vợ của tôi không thích những thói quen này, còn nói nếu tôi cứ tiếp tục như thế, mê muội mất cả lý trí, sớm muộn rồi cũng sẽ là tên ăn mày không xu dính túi. Ngày mai tôi đưa vợ tới, anh nói lại lời vừa nói cho vợ tôi nghe, xong chuyện, tôi sẽ thưởng cho anh 200 nghìn."
Cặp mắt sáng lên, người ăn mày liền gật đầu đồng ý.
Hôm sau Trương Quân chủ động hẹn vợ của mình là Vân Lệ đi dạo. Trên đường đi, Vân Lệ liên tục khuyên bảo và khích lệ Trương Quân.
Đến lúc nhìn thấy người ăn mày, cô chợt chỉ tay và nói: "Nếu anh cứ tiếp tục như thế, sớm muộn gì anh cũng có bộ dạng như vậy!" Trương Quân nghe Vân Lệ nói vậy liền lên tiếng: "Anh dám khẳng định người ăn mày này không phải vì có những thói ham thích giống anh mà lâm phải tình cảnh như thế.
Không tin thì chúng ta có thể đánh cược!. Nếu mà người ăn mày này có nhiễm thói quen giống anh, cho dù là một thứ thôi thì từ nay về sau anh sẽ không uống rượu, không hút thuốc, không đánh bạc. Còn không thì sau này em không được xen vào những sở thích của anh nữa."
Vân Lệ nghe xong liền gật đầu đồng ý.
Hai vợ chồng lại gần người ăn mày, Trương Quân giả bộ như không quen biết, lên tiếng hỏi: "Anh có phải vì nghiện rượu, hút thuốc, hay đánh bạc nên mới dẫn đến bộ dạng này?"
Người ăn mày ngước mắt lên nhìn Trương Quân, nói: "Vâng! Cha của tôi làm chủ một xí nghiệp gia đình. Nhà tôi từng có 2 xưởng kinh doanh và một siêu thị. Tôi chưa biết đến thiếu tiền có mùi vị như thế nào.
Nhưng cha tôi đột nhiên qua đời, tôi phải tiếp quản tài sản. Lúc đầu kinh doanh làm ăn cũng tốt lắm, chỉ từ khi tôi nhiễm thói quen hút thuốc và đánh bạc, nhất là đánh bạc, một sản nghiệp to như vậy nhưng đã bị quét sạch, tự mình biến thành bộ dạng như hôm nay."
Trương Quân nằm mơ cũng không nghĩ người ăn mày lại trả lời như thế, anh thật muốn đấm vào mặt người ăn mày, nhưng bên cạnh Vân Lệ, anh không thể làm thế.
Hôm sau, Trương Quân không nhịn được cơn bực tức trong lòng, quyết định đến quảng trường định đánh cho tên ăn mày một trận để giải hận.
Người ăn mày này vẫn ở chỗ đó, thấy Trương Quân đến, không có một chút bất ngờ, hắn đứng lên và lấy trong túi quần ra tờ 100 nghìn đã bị nhăn nhúm trả lại cho Trương Quân rồi nói: "Tôi xin lỗi lúc đầu đã lừa anh, nhưng lời sau này là sự thật, không lừa anh đâu, đều là sự thật!.
Thói quen đó có thể hại chết người! Hãy tin tôi!"
Thật không ngờ, người ăn mày lại có thể dùng kinh nghiệm bản thân khích lệ ông chủ trẻ từ bỏ thói quen xấu.
Người ta thường nói: "Gieo suy nghĩ, gặt hành động; Gieo hành động, gặt thói quen; Gieo thói quen, gặt tính cách; Gieo tính cách, gặt số phận". Quả thật, nhưng thói quen hằng ngày trong cuộc sống, đôi khi tưởng chừng như vô hại, nhưng nó lại có sức tác động, ảnh hưởng rất lớn, quyết định đến sự thành công hay thất bại trong cuộc đời mỗi người.
người ăn mày, giám đốc trẻ, thay da đổi thịt, quản lý chi tiêu, tiền mất tật mang, tiêu xài hoang phí, thói quen xấu
Hãy nhớ: "Ít chắt chiu hơn nhiều phung phí", đừng vung tay quá trán để rồi phải hối hận! (Ảnh minh họa)
Thói quen xấu có thể biến tỷ phú thành kẻ ăn mày
Thực ra, "Làm giàu thì dễ, làm đủ ăn mới khó". Vì sao lại như thế?
Nếu không biết chi tiêu thì cho dù bạn có kiếm được bao nhiêu cũng không bao giờ là đủ, "miệng ăn núi lở" là câu nói mà người xưa vẫn dạy. Ngược lại, nếu biết cách thu vén, đầu tư thì từ một số tiền nhỏ, bạn cũng có thể gây dựng được cơ ngơi lớn.
Có một số người hiện tại rất giàu có, nhưng nếu tiêu tiền phung phí, không giữ chừng mực thì "miệng ăn núi lở".
Giống như người ăn mày đã lại lấy hết những trải nghiệm của mình để thức tỉnh vị giám đốc trẻ hãy đừng quá kiêu ngạo, sớm chọn lối sống hưởng thụ, phung phí tiền bạc như một thói quen.
Bởi dù hiện tại có giàu có đến thế nào, nhưng nếu không biết trân trọng, không biết tự lượng sức mình thì sớm muộn gì cũng sẽ rơi vào vực thẳm mà thôi
Trong cuộc sống, cho dù có tài giỏi đến mức nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải tiếp tục học hỏi không ngừng để mở mang hiểu biết nhiều hơn nữa.
Có như thế, ta mới đạt được nhiều thành công trong tương lai. Biết khiêm tốn, thấp mình để được lắng nghe, học hỏi. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại, sớm tự mãn với những gì mình đang có.
Nếu là người có năng lực và nhiệt huyết, nhưng hiện tại chưa có được thành công như mong muốn, thì bằng cách thay đổi tư duy, thái độ, bạn có thể cải thiện hành vi của mình và từ đó giúp con đường công danh thêm rộng mở.
Ngược lại, nếu chỉ biết tiêu xài hoang phí, sa vào những cuộc chơi "tiền mất tật mang" thì của cải dù vào tay cũng sẽ nhanh chóng trôi sạch.
Người xưa thường nói: "Ít chắt chiu hơn nhiều phung phí", ý dạy rằng còn khó khăn mà biết chắt chiu, tiết kiệm thì vẫn có thể no đủ, nhưng giàu sang, phú quý mà ăn tiêu phung phí vẫn có thể bị trắng tay. Vì thế hãy tập cho mình đức tính tốt đẹp, đó là tiết kiệm và học cách quản lý chi tiêu.
(Theo Thế giới trẻ)