31 tháng 1, 2015

Tiếng chim đã ngừng hót trong bụi mận gai

Tiếng chim đã ngừng hót trong bụi mận gai
Nữ nhà văn Colleen McCullough, tác giả của tiểu thuyết kinh điển 'Tiếng chim hót trong bụi mận gai' vừa dừng bước trần ai ở tuổi 78.
Colleen khởi nghiệp với chiếc máy chữ bà mua từ tiền mẹ cho
Colleen khởi nghiệp với chiếc máy chữ bà mua từ tiền mẹ cho.

Colleen McCullough đã qua đời ở tuổi 78 tại bệnh viện ở Norfolk Island, một hòn đảo nhỏ thuộc Thái Bình Dương vào chiều ngày 29/1 sau khi gặp hàng loạt vấn đề về sức khỏe cũng như thị lực. Thông tin này đã được nhà xuất bản HarperCollins tại Úc xác nhận.
Thế giới sẽ trở nên thiếu màu sắc nếu thiếu Col.”, HarperCollins viết trong một thông báo vừa được phát đi. Những năm cuối đời, dù gặp vấn đề nghiêm trọng về thị lực nhưng Colleen McCullough vẫn ham sáng tác và xuất bản sách bằng cách đọc chính tả. Năm 2013, bà vẫn xuất bản cuốn Bittersweet.
Sinh năm 1937, trước khi trở thành một tiểu thuyết gia, Colleen McCulolough từng làm tại một bệnh viện ở Sydney. Bà cũng từng có 10 năm làm nghiên cứu sinh tại trường Y Yale của Mỹ.
Colleen sinh năm 1937 tại Wellington, New South Wales, Australia
Colleen sinh năm 1937 tại Wellington, New South Wales, Australia.

Tiểu thuyết đầu tay, Tim ra mắt năm 1974 khi Colleen McCulolough 37 tuổi. 3 năm sau đó, ở tuổi 40, bà nổi tiếng toàn cầu với cuốn tiểu thuyết vô cùng ăn khách, 'Tiếng chim hót trong bụi mận gai' cùng 30 triệu bản bán ra trên toàn cầu.
'Tiếng chim hót trong bụi mận gai' được coi là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Colleen McCulolough, đưa bà trở thành một trong những tác gia người Úc đầu tiên thành công trên văn đàn thế giới. Trong sự nghiệp sáng tác kéo dài gần 40 năm, Colleen McCulolough đã xuất bản 25 tiểu thuyết.
Cảnh trong phim 'Tiếng chim hót trong bụi mận gai' - 1983
Cảnh trong phim 'Tiếng chim hót trong bụi mận gai' - 1983.

‘Tiếng chim hót trong bụi mận gai' nổi tiếng đến nỗi nó đã được chuyển thể thành series phim truyền hình ăn khách cùng tên năm 1983 và nhanh chóng trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại cùng 4 giải Quả cầu vàng cho series phim truyền hình hay nhất (trong tổng số 8 đề cử năm 1984).
Đây cũng là bộ phim truyền hình được khán giả Việt Nam rất yêu thích khi được công chiếu vào đầu thập niên 1990 với sự tham gia diễn xuất của Richard Chamberlain (vai Cha Ralph) và Rachel Ward (Meggie).
Theo Vietnamnet

29 tháng 1, 2015

TÔI HỌC CHỮ HÁN - MỘT KỶ NIỆM CỦA TÔI

* Sắp Tết, ít nhiều sẽ có đề tài câu đối- chữ Hán Nho; ôn lại chút kỷ niệm.


   TÔI HỌC CHỮ HÁN - MỘT KỶ NIỆM CỦA TÔI

   Ấy là vào năm 1945. Cách mạng tháng Tám. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Việt Nam đã đánh đổ chế độ đô hộ cai trị của đế quốc Pháp và Nhật , xóa bỏ chính quyền phong kiến của Nhà Nguyễn , lập nên chế độ Cộng Hòa. Năm đó tôi vừa 10 tuổi. Chúng tôi nhìn cờ đỏ sao vàng năm cánh và hát Tiến quân ca – sau thành quốc ca.
   Tôi đang học lớp Dự Bị ( Cours Préparatoire ) cấp Tiểu học , phải tạm dừng học vì Cách mạng xong các trường học đang tạm ngừng nghỉ tất cả.

   Bác Cả tôi vốn học chữ Hán nổi tiếng hay chữ của Tỉnh . Kỳ thi thử Bác đỗ đầu gọi là Đầu Xứ, nhưng kỳ thi thực sự thì khi yết bảng không có tên trong danh sách ! ( Sau này được biết cụ không đỗ là do “phạm húy “ - tức là viết phải chữ cấm tên của các vua, hoàng hậu, bắt phải kiêng kỵ cụ đã kiêng chưa hết ! ) Từ đó cụ không thi nữa và mở lớp dạy học chữ Hán ( lúc bấy giờ chúng tôi cứ gọi là chữ Nho ) và mọi người gọi cụ là Cụ Xứ . Ba tôi cho tôi đến học với Bác, mặc dầu trong “Nhà học” ( có các trình độ học khác nhau, kẻ mới học , người đã đọc khá và có thể tập làm văn bài v.v…) các học trò đều đã lớn tuổi (ít ra cũng hơn tôi 5, 6 tuổi trở lên ). Tôi bắt đầu học cái chữ VẼ và có tên bài là TAM TỰ KINH.

    TAM TỰ KINH là gì ? Là sách ba chữ ? Thế sách ba chữ là thế nào ? Ấy thế, khi đó tôi cũng chẳng hiểu tam tự kinh hay sách ba chữ là nghĩa như thế nào cả cứ biết Bác bảo đọc, học là mình đọc, học; và học thuộc lòng với tôi “ quá dễ “, tôi đã học lớp Dự Bị có học tiếng Pháp , có học thuộc lòng thơ ( ngắn ,dễ ) và hát tiếng Pháp – còn thuộc nữa là …
Nhân chi sơ,  Tính bản thiện,  Tính tương cận , Tập tương viễn, …   Người chưng đầu,  tính vốn lành , … cứ thế mà học ; hay :
Nhân là người; Chi là chưng; Thiện là lành ; Nhân chi sơ - người chưng lành , v.v…
Như bây giờ thì chẳng phải bàn : Sách ba chữ , nghĩa là sách dạy học, viết thành câu, cứ ba chữ một câu hay một câu có ba chữ … và nhân chi sơ nghĩa là con người ta khi ban đầu mới sinh ra, v.v…

      Còn viết chữ ? Các học trò khác đã học nhiều hơn, viết bút lông mực tầu trên giấy bản , chữ đã không lớn nữa. Tôi ( mới 10 tuổi ) ban đầu phải tập viết thật lớn đã. Giấy thì chưa dùng giấy bản. Vốn Ba tôi là một thầy giáo dạy Tiểu học& Trung học (Thời đó thầy giáo thường dạy liên thông cấp học) từ thời còn thuộc Pháp và triều vua nhà Nguyễn ( Bảo Đại ) nên tôi có sẵn “giấy tây” cỡ lớn ( cả trang giấy lớn ) mà không phao phí là các giấy Ba tôi đã dùng soạn bài , nay dùng bút lông cũ đã to nét viết lên trên, kẻ ngang, sổ dọc tha hồ. Còn mực viết ? Các anh lớn ( không có học trò nữ học chữ Nho ) viết mực tầu , còn tôi ban đầu để khỏi tốn mực ( mực thỏi phải mua ở các hàng xén ) Bác tôi cho tôi dùng son - một loại đá phấn mềm màu đỏ hồng mài với nước vừa đủ thành son viết , vậy là tôi được viết chữ son - chỉ để dùng cho thầy giấo chấm bài học trò trên bài mực tầu mầu đen của bài tập. Phải nói thêm là quê tôi - một vùng đồi có nhiều đá son tha hồ nhặt chọn loại tốt nhất .
     Cả trang giấy cỡ A4 ngày nay ( 210 * 297 mm ) Bác bảo tôi gấp ba theo chiều dọc rồi gấp ba theo chiều ngang thành 9 ô , mỗi ô tập viết (vẽ) một chữ ( chữ Hán) , mỗi trang như vậy viết được 9 chữ.
Mấy ngày đầu Bác còn viết trước ( nét mực tầu) cho tôi tô sau cho quen, về sau tôi tự tập viết lấy. Mà không viết từ dễ đến khó đâu, cũng không từ ít nét đến nhiều nét đâu , học Nhân chi sơ thì cũng cứ Nhân chi sơ mà viết , chữ nhân có 2 nét thì dễ , chữ chi đã ngoằn ngoèo như con cò, …  , với 9 chữ đầu tiên thì ngay chữ thứ ba : KINH viết đã rắc rối lắm rồi ! ( Các chữ đều viết ngày nay gọi là phồn thể tức là không bớt một nét nào cả , cho gọn như giản thể ngày nay ).
. . . . . . . . .
Sau đó, khi tôi vào học trường trung học (sau CM tháng 8/1945, trước Cải cách GD) đồng thời phải học cả 3 thứ “ngoại văn” là Anh văn, Pháp văn, Hán văn; mỗi thứ 1 giờ / mỗi tuần. Kết quả là có biết mỗi thứ một chút không giỏi hẳn lên một thứ nào cả ! Đến khi học Đại học VNDCCH thì lại phải học Tiếng Nga, thêm một thứ ”ngữ” cũng chỉ biết “sơ sơ”! Về hưu học lại Tiếng Anh cùng con cháu, còn các thứ “Văn, ngữ” kia chỉ còn để thỉnh thoảng vui chút ! Giá thử có đi “tua” (tour du lịch) đâu đó đôi khi nói vài tiếng chào hỏi vui là chính! Trước kia học “văn”, học “ngữ” đâu có học NÓI (tiếng) ! Thật giỏi mới biết nói và viết !
**  Chữ KINH nghĩa là SÁCH, chữ Hán phồn thể (nhiều nét):   

*** Tam tự kinh, Nhân chi sơ, Tính bản thiện:

  三字,  人之初,性本善

    经  :  Kinh, giản thể (ít nét, bớt nét))